Năm 1994, tốt nghiệp Trường Sư phạm Vũng Tàu, tôi được phân công về Trường Tiểu học Chí Linh, thành phố Vũng Tàu.
Trường Chí Linh lúc đó là một ngôi trường mới được tách ra từ Trường Tiểu học Thắng Nhất. Cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn. Phòng học là 4 dãy nhà tôn lụp xụp của Công ty Thi công Cơ giới. Xung quanh trường trống trơn, được rào bằng lớp dây kẽm gai, mùa khô nóng hầm hập, còn mùa mưa thì dột khắp phòng.
Mỗi khi mưa to, nước mưa đổ ầm ầm xuống mái tôn như thác. Thầy cô giáo giảng bài vào những lúc trời mưa lớn, phải nói to hết cỡ mà học sinh vẫn nghe câu được, câu mất, nên các thầy cô phải nhắc lại nhiều lần. Nhà vệ sinh của trường thì rất tệ, cũ kỹ, thiếu nước sạch và xuống cấp trầm trọng. Một năm sau, trường được xây dựng thêm một dãy nhà hai tầng nhưng vẫn không đáp ứng đủ số lượng học sinh ngày càng tăng, nên phần lớn các lớp học vẫn phải học ở dãy nhà cấp bốn lợp tôn...
Năm đầu tiên bước vào nghề dạy học, tôi được phân công dạy lớp 4A. Lớp hơn ba chục em học sinh, phần đông là con các gia đình lao động nghèo: Cha mẹ làm rẫy, làm thợ hồ, buôn bán nhỏ ở chợ khu tập thể Chí Linh. Các em chỉ đến trường học một buổi chiều, còn buổi sáng ở nhà phụ giúp việc gia đình. Nhìn những gương mặt lem luốc, gầy gò lam lũ của các em ngày đầu nhận lớp, tôi thật sự xúc động và ấn tượng. Tuy vậy, nhưng các em rất ngoan, ngây thơ, hồn nhiên và rất tình cảm với thầy cô giáo.
Giờ học buổi chiều bắt đầu từ 13h30 nhưng các em đã đến trường từ rất sớm. Nhìn các em, tôi như thấy hình ảnh tuổi thơ của mình trong đó, thấy yêu nghề và ngày càng yêu thương quý mến các em hơn.
Trong số các học sinh của tôi năm ấy có cậu học trò Nguyễn Văn Cương. Cương gắn bó với tôi bằng những kỷ niệm đẹp. Nhà em ở xa tít trong rẫy, gần bãi tắm Chí Linh. Hàng ngày, em phải đạp chiếc xe đạp cũ, cà tàng vượt qua con dốc cao ngập cát trên đồi Ra Đa để đến trường. Nước da đen nhẻm, người nhỏ thó, tóc vàng cháy nắng… nhưng ở em, ánh lên đôi mắt rất sáng, thông minh. Em là một học sinh giàu nghị lực và rất cần cù chịu khó.
Cương tâm sự với tôi, nhà em có 4 anh em. Cương là con thứ hai. Gia đình em từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp và phải mượn nhờ đất của người thân để ở. Mẹ em ở nhà làm rẫy, trồng rau, trồng hoa cúc, chăn nuôi gà và heo, còn bố em làm phụ hồ.
Hàng ngày Cương phải phụ giúp cha mẹ nhiều việc, từ trông em, tưới rau, cắt rau, chăm gà, heo…Nhưng Cương rất ngoan và học giỏi. Em thường đi học sớm nhất lớp và thường ghé nhà tôi chơi, kể cho tôi nghe nhiều chuyện…
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 đầu tiên trong nghề dạy học của tôi năm ấy là một kỷ niệm đáng nhớ. Trưa hôm đó, trên đường đi học đến trường, Cương ghé nhà tôi mang theo một túi quà nhỏ. Gặp tôi em nói lí nhí: “ Cô ơi, mẹ con biếu cô trứng gà, con bị té ở dốc nên vỡ hết rồi. cô đừng nói với mẹ con nghe…”
Tôi mở túi quà ra xem, hai chục trứng gà tươi ngon nhưng bị giập vỡ gần hết. lòng trắng, lòng đỏ nhoe nhoét dính đầy rơm, cát, lót ở đáy túi…Nhận món quà đặc biệt của cậu học trò nghèo, tôi thật sự xúc động, chợt thấy mắt mình cay cay…
Năm đó cấp một tổ chức thi học sinh giỏi. Cương và một số bạn trong lớp được chọn đi thi. Tôi miệt mài cùng các em lao vào ôn tập dưới cái nắng nóng hầm hập của những dãy nhà tôn cấp 4 và dồn tất cả tâm huyết dành cho các em.
Hôm các em đi thi, địa điểm thi cách trường khá xa nên hầu hết các em trong đội tuyển học sinh giỏi đều có cha mẹ đưa đón. Riêng Cương không có ai đưa đi, nên tôi phải trực tiếp chở em đi thi. Tan giờ thi, các em tíu tít kể cho tôi nghe kết quả bài làm. Tôi rất vui khi thấy mình được hòa nhập với niềm vui của các em, được sống lại tuổi học trò…
Chở các em tới một quán kem gần đó, tôi thưởng cho các em mỗi bạn một cây kem và động viên các em tiếp tục phấn đấu cho những kỳ thi tiếp theo. Kỳ thi học sinh giỏi năm ấy, Cương đạt giải khuyến khích cấp thành phố. Một thành tích vượt qua sự mong đợi của cả cô và trò.
Hơn 04 năm gắn bó với ngôi Trường Tiểu học Chí Linh, thành phố Vũng Tàu, đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm của một cô giáo mới bước vào nghề. Cậu học trò Cương của tôi ngày xưa nay đã trưởng thành. Em học Trường Sĩ quan Lục quân và hiện đang phục vụ trong quân đội.
28 năm trong nghề dạy học với biết bao kỷ niệm vui buồn, hình ảnh các em học sinh thân yêu, trong đó có Cương luôn đi theo tôi trong suốt chặng đường, là động lực giúp tôi vượt qua những tháng ngày gian khó, vượt lên trên những vất vả của nghề dạy học, để trưởng thành. Các em chính là nguồn động viên giúp tôi thêm yêu nghề dạy học.
Nguyễn Thị Liên
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long