Lạm phát hạ nhiệt trong vài tháng qua đã cho phép hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực trì hoãn việc tăng lãi suất, và một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, áp lực giá cả tăng cao, thị trường việc làm vững vàng và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Hoa Kỳ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm nữa, theo nhận định trong ấn bản mới nhất của báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á được công bố hôm nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo, sự dịch chuyển khỏi xu hướng tăng lãi suất gần đây, cùng với yếu tố nền tảng kinh tế vững chắc, đã hỗ trợ cải thiện đôi chút các điều kiện kinh tế ở hầu hết các thị trường Đông Á mới nổi trong giai đoạn từ ngày 1 tháng 6 đến 31 tháng 8. Ngoại trừ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), tâm lý đầu tư tích cực tại các thị trường khu vực đã góp phần vào việc giảm phí bảo hiểm rủi ro, phục hồi trên thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư danh mục ròng rót vào các thị trường trái phiếu. Tại Trung Quốc, triển vọng kinh tế u ám đè nặng lên các thị trường tài chính trong nước.

Trong khi đó, lãi suất trong khu vực vẫn neo cao. Chi phí vay cao hơn góp phần gây ra tình trạng căng thẳng nợ và vỡ nợ trái phiếu ở một số thị trường châu Á trong vài tháng qua.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, cho biết: “Lĩnh vực ngân hàng của châu Á đã cho thấy khả năng chống chịu trong giai đoạn biến động ngân hàng ở Hoa Kỳ và Châu Âu gần đây, nhưng chúng tôi đã nhận thấy những điểm yếu và khả năng vỡ nợ của các khách hàng vay ở cả khu vực công và tư. Chi phí vay cao hơn là một thách thức, đặc biệt đối với những bên vay có năng lực quản trị và bảng cân đối kế toán yếu kém.”

Mặt khác, việc lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, kết hợp với thị trường việc làm hạ nhiệt và/hoặc giảm bớt các quan ngại về ổn định tài chính và tăng trưởng, có thể dẫn đến quan điểm tiền tệ ít diều hâu hơn, theo nhận định trong báo cáo.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc); Hồng Kông, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực đã tăng 2,0% trong ba tháng kể từ tháng 6, lên 23,1 nghìn tỷ USD. Sự gia tăng của cả trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp đều chậm lại so với quý trước. Nhiều chính phủ đã tăng cường phát hành trái phiếu trong quý đầu tiên của năm, trong khi cả khu vực chính phủ và doanh nghiệp đều có khối lượng trái phiếu đến hạn khá lớn ở hầu hết các thị trường.

Trái phiếu bền vững trong ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã tăng 5,1% so với quý trước lên 694,4 tỷ USD, chiếm 19,1% tổng dư nợ trái phiếu bền vững toàn cầu. ASEAN+3 vẫn là thị trường trái phiếu bền vững khu vực lớn thứ hai thế giới sau Liên minh châu Âu, mặc dù phân khúc này chỉ chiếm 1,9% tổng thị trường trái phiếu chung của nhóm.

Minh Anh