Các hạng mức cụ thể trong Chương trình OCOP được ngân sách Nhà nước hỗ trợ gồm: 100% kinh phí tuyên truyền, tập huấn; 50% kinh phí phát triển sản phẩm OCOP với mức tối đa 200 triệu đồng/sản phẩm; 100% kinh phí đánh giá, xếp hạng sản phẩm (không quá 5 triệu đồng/sản phẩm); không quá 25 triệu đồng chi phí vận chuyển hàng hóa, thuê gian hàng hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm đối với mỗi đơn vị tham gia…
Cụ thể đối tượng của chương trình chủ yếu là các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương. Đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ của tỉnh Lâm Đồng.
Hồng treo gió, một sản phẩm đặc sản của TP Đà Lạt. Ảnh: Dân Việt
Chương trình OCOP Lâm Đồng thực hiện 3 nguyên tắc: phát triển sản phẩm đặc trưng ở địa phương được chấp thuận ở cấp độ toàn cầu; tổ chức sản xuất theo phương châm tự lực, tự tin và sáng tạo, đạt hiệu quả cao nhất; đào tạo nguồn nhân lực thực hành từ khâu tạo vùng nguyên liệu đến khâu sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại…
Được biết, kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng đã được phê duyệt với danh mục toàn bộ 12 huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng đã tham gia đăng ký 20 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong giai đoạn 2018- 2020.
Tiêu biểu như, TP.Đà Lạt có sản phẩm Trà và cao Atiso, sản phẩm Hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản và Hồng sấy dẻo. TP.Bảo Lộc có sản phẩm Lụa tơ tằm và quả măng cụt. Huyện Lạc Dương có sản phẩm Dịch vụ du lịch văn hoá truyền thống, du lịch cồng chiêng Lang Biang.
Huyện Đạ Huoai có sản phẩm từ quả sầu riêng và quả điều. Huyện Đạ Tẻh có sản phẩm gạo nếp quýt, gạo Việt Đài…
Cũng theo kế hoạch này, tỉnh Lâm Đồng sẽ đầu tư hơn 13,3 tỷ đồng để thực hiện. Trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 7,9 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các đơn vị tham gia chương trình.
Hải Nam