Hiện nay, 87 quốc gia trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy định về nông nghiệp hữu cơ như Hoa Kỳ có quy định về sản phẩm hữu cơ được nêu trong Bộ luật liên bang; Nhật Bản có quy định về nông nghiệp hữu cơ được xây dựng trên nền tảng tiêu chuẩn Codex với các yêu cầu bổ sung gồm 4 tiêu chuẩn cụ thể về Cây trồng hữu cơ, Thực phẩm chế biến hữu cơ, Các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Trung Quốc hiện có bộ tiêu chuẩn GB/T 19630 về sản phẩm hữu cơ gồm 4 phần liên quan tới Sản xuất, Quá trình, Dán nhãn và tiếp thị, Hệ thống quản lý; Thái Lan có bộ tiêu chuẩn TAS 9000 về nông nghiệp hữu cơ gồm 1 tiêu chuẩn chung xây dựng trên nền tiêu chuẩn của Codex và 2 tiêu chuẩn cho lĩnh vực Chăn nuôi hữu cơ và Thức ăn thuỷ sản hữu cơ. Ngoài ra, Thái Lan còn phát triển một số tiêu chuẩn cho sản phẩm cụ thể như tiêu chuẩn cho Gạo hữu cơ, Cá sặc rằng hữu cơ, Mật ong hữu cơ.
Bên cạnh đó, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM đã xây dựng và phối hợp với một số tổ chức ban hành các tiêu chuẩn sau trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ: Tiêu chuẩn của IFOAM cho sản xuất và chế biến hữu cơ; Tiêu chuẩn về hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS); Tiêu chuẩn hữu cơ khu vực Châu Á.
Đối với trong nước, năm 2015, Bộ KH&CN công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở của tiêu chuẩn quốc tế Codex CAC/GL 32-1999, soát xét 2007, sửa đổi 2013.
Đề cập về định hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải cho biết, trong năm 2017, Tổng cục TCĐLCL sẽ tổ chức soát xét sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 cho phù hợp với các bên tham gia sử dụng tiêu chuẩn trong thực tiễn, đồng thời tổ chức xây dựng, công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN hướng dẫn về chương trình chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở của nguyên tắc chứng nhận được quy định tại ISO/IEC 17065 và các yêu cầu đặc thù của lĩnh vực.
Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia TCVN về nông nghiệp hữu phải hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với tiêu chuẩn đã thống nhất trong ASEAN để đảm bảo yêu cầu hội nhập, đồng thời phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục TCĐLCL cũng xác định cần tiếp tục xem xét, tổ chức xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia TCVN nhằm hướng dẫn chi tiết quá trình sản xuất hữu cơ trong một số lĩnh vực cụ thể như sản xuất hữu cơ trong trồng trọt hay sản xuất hữu cơ trong chăn nuôi, đồng thời gắn việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN về sản phẩm hữu cơ đối với một số sản phẩm cụ thể có tiềm năm xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, tôm... với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia.
Minh Anh