THCL Lựa chọn thực phẩm hữu cơ đang là xu hướng của người tiêu dùng Việt với niềm tin “sạch”. Song, thực phẩm được gắn mác hữu cơ trên thị trường hiện này có thực sự đảm bảo như người dùng tin tưởng?
Bỏ tiền thật mua hàng “giả”
Chị Chi ở Quận Tân Bình (TP. HCM) chia sẻ: “Giá rau hữu cơ đắt hơn cả thịt, nhưng trong thời điểm thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay thì thực phẩm hữu cơ luôn là lựa chọn hàng đầu của gia đình tôi”.
Chị Thu Hà ( ngụ tại quận Gò Vấp) cho biết, vợ chồng có bé 8 tháng tuổi, đang tập ăn dặm nên thường tìm mua thực phẩm hữu cơ cho bé, dù hơi tốn kém nhưng yên tâm hơn. "Thế nhưng, những mặt hàng rau củ tươi sống tại cửa hàng hiện thiếu rất nhiều thông tin cơ bản để người mua kiểm chứng như ngày sản xuất, hạn sử dụng hay nơi cung cấp...”, chị Thu Hà phản ánh.
Thực phẩm hữu cơ tại một cửa hàng trên đường Tôn Thất Thiệp (quận 1)
Trong vai người tiêu dùng, PV Thương hiệu & Công luận đã lần lượt khảo sát tại một số điểm chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ trên địa bàn TP. HCM. Tại một số cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), đường Tôn Thất Thiệp (quận 1), nhiều loại rau củ, quả được bán tại đây chỉ dán mác viết tắt của cửa hàng. Các lô hàng này không có bất kỳ tem tiêu chuẩn, chứng nhận nào. Thậm chí, sản phẩm không có tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng, song nhân viên bán hàng vẫn khẳng định là "sản phẩm hữu cơ" (?!).
Qua tìm hiểu, PV còn phát hiện một số cửa hàng quảng cáo thực phẩm hữu cơ, nhưng thực chất lại lấy hàng từ các trang trại rau quả ở Đà Lạt với nhiều loại phẩm cung cấp khác nhau. Số hàng này, sau đó được gắn mác của cửa hàng và ngang nhiên bày bán cho người tiêu dùng.
Điều đáng nói, giá 1 kg rau theo chuẩn organic cao hơn nhiều lần rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và giá rau VietGAP lại đắt hơn giá rau thường tới vài chục phần trăm, nếu không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc rau, chắc chắn khách hàng không dễ phân biệt chúng.
Thực phẩm hữu cơ chưa được chứng nhận ở Việt Nam
Nghi vấn đặt ra: Liệu rằng, người tiêu dùng có thực sử được mua sản phẩm hữu cơ hay không? Thậm chí, các loại thực phẩm tôm, cá, thịt cũng được chào bán là "thực phẩm hữu cơ", trong khi hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nào chứng nhận?
Được biết, Việt Nam hiện chưa có chứng nhận hữu cơ. Các doanh nghiệp trong nước muốn chứng nhận thì phải đăng ký với các tổ chức nước ngoài để họ kiểm định quá trình canh tác và cấp chứng nhận hữu cơ. Việt Nam, có tổ chức Control Union và PGS Việt Nam cấp chứng nhận này. Tuy nhiên, chính đại diện của PGS Việt Nam, bà Từ Thị Tuyết Nhung cũng thừa nhận, tại Việt Nam, PGS chưa được công nhận hợp pháp mà mới chỉ được khách hàng chấp nhận trên thị trường.
PGS là một hệ thống chứng nhận chung trên thế giới được đặt tại các nước có dự án sản xuất hữu cơ. Ở mỗi nước, PGS có quy trình khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng cơ bản phải được tổ chức Liên đoàn Phong trào hữu cơ quốc tế (IFOAM) thông qua. Ở Việt Nam, PGS được xem là hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ duy nhất cho thị trường sản phẩm nội địa hiện nay. Khi mua các sản phẩm có chứng nhận PGS - có nghĩa là các sản phẩm đã được kiểm chứng, đáng tin cậy. Còn những sản phẩm được giới thiệu là hữu cơ, nhưng không có chứng nhận PGS thì vẫn là hàng “tự phong”, chưa có tiêu chuẩn nào giám sát và chứng nhận.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là chứng nhận hữu cơ do PGS cấp lại chưa được pháp luật Việt Nam chứng nhận. Điều đó có nghĩa, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn về thực phẩm hữu cơ. Đặc biệt, điều quan trọng nhất, chứng nhận của các tổ chức nói trên mới chỉ là chứng nhận quá trình sản xuất, còn thực tế chứng nhận một sản phẩm là sản phẩm hữu cơ thì đến nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn chưa có bộ tiêu chí cụ thể. Điều đó đồng nghĩa với việc các chứng nhận không có giá trị pháp lý để minh chứng các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ là các sản phẩm hữu cơ.
Minh Anh