Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp - Hình 1

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Pháp từ ngày 25-27/3/2018

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ khi Pháp có tổng thống mới và diễn ra vào dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao (1973-2018), 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (2013-2018). Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng ta đến khu vực Tây Âu trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Không ngừng thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Pháp

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973 và 40 năm sau (năm 2013) hai nước đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp.

Trong những năm qua, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao; phối hợp nhiều cơ chế hợp tác. Đáng lưu ý có: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế, cơ chế sát nhập Hội đồng cấp cao vì sự phát triển hợp tác kinh tế Việt – Pháp và Diễn đàn kinh tế tài chính Việt – Pháp, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Ngoại thương Pháp đồng chủ trì.

Trong lĩnh vực hợp tác an ninh - quốc phòng, Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam vào năm 1991. Quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển. Tháng 11/2009, hai bên đã ký Thỏa thuận giữa hai Bộ Quốc phòng, thống nhất tổ chức luân phiên hàng năm Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng (cấp Thứ trưởng). Cơ chế này được đổi tên thành Đối thoại chính sách quốc phòng, tổ chức phiên họp đầu tiên vào tháng 11/2016.

Quan hệ thương mại Việt Nam – Pháp liên tục phát triển. Nhìn chung, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Pháp tăng mạnh hơn hàng hóa của Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường Pháp. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp đạt hơn 3,35 tỷ USD, tăng 11,8% và nhập khẩu 1,27 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2016.

Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Năm 2017, Pháp đứng thứ ba trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh), đứng thứ 16 trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 513 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 2,8 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông; công nghiệp chế biến – chế tạo. Các dự án phân bổ tại 36 địa phương, dẫn đầu là Bà Rịa – Vùng Tàu với 7 dự án trị giá hơn 1 tỷ USD. Về phía Việt Nam, tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,47 triệu USD.

Pháp là nhà tài trợ song phương ODA hàng đầu châu Âu đối với Việt Nam, hiện Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD (tính từ năm 1993). Năm 2017, Việt Nam đã giải ngân 104 triệu USD. Việt Nam cũng là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp là viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Hợp tác mở rộng trên nhiều lĩnh vực

Từ đầu những năm 1980, hợp tác giáo dục, đào tạo Việt Nam - Pháp đã hình thành và phát triển. Pháp luôn coi giáo dục, đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: Quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…

Hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam, dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện tin học Pháp ngữ (IFI). Tháng 10/2010, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, do Pháp tài trợ 100 triệu Euro, đã khai giảng khóa học đầu tiên. Đây là một trong bốn trường đại học tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Hàng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách học bổng của Pháp tập trung chủ yếu cho các chương trình đào tạo ở bậc học thạc sỹ và tiến sỹ. Trong vòng 10 năm qua, số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40%. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với trên 7.000 sinh viên.

Bên cạnh đó, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. Hàng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu Euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, điển hình là việc hỗ trợ hoạt động của Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, Viện trao đổi văn hóa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD; Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm.

Trong lĩnh vực y tế, hai nước hiện có 30 dự án hợp tác đào tạo y học và cận y học như đào tạo bác sỹ nội trú tại các bệnh viện Pháp. Các dự án hợp tác này được tài trợ từ các Quỹ đối tác bệnh viện của Bộ Ngoại giao Pháp, Chương trình liên đới mạng điều trị (ESTHER) và quỹ riêng của các bệnh viện Pháp.

Khởi xướng từ đầu những năm 1990, hợp tác giữa các địa phương trở thành nét đặc thù trong quan hệ Việt – Pháp. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Từ năm 1990, có 235 dự án hợp tác phi tập trung giữa địa phương hai nước, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững, với quy mô không lớn nhưng nhìn chung có tác dụng tốt. Từ năm 1996, hai nước tổ chức gặp gỡ và thảo luận về tình hình hợp tác giữa các địa phương nhằm đánh giá hoạt động hợp tác và trao đổi kinh nghiệm hợp tác giữa các địa phương hai nước. Tính đến năm 2016, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 10 kỳ họp luân phiên tại Pháp và Việt Nam.

Đều là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ, đặc biệt trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp, giảng dạy đại học, các hoạt động nghị viện…

Hiện nay, tại Pháp có khoảng 300.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc. Tri thức được coi là thế mạnh của cộng đồng người Việt tại Pháp. Hiện có khoảng 40.000 Việt kiều có trình độ đại học hoặc trên đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, chiếm 12% trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Một số có trình độ chuyên môn cao, là chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm làm việc tại các trường đại học, Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), các viện nghiên cứu, các cơ quan hành chính, kỹ thuật…

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Pháp, tạo động lực, xác lập khuôn khổ và định hướng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ chính trị-ngoại giao, mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ, năng lượng, phát triển bền vững… góp phần khẳng định, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Anh Anh

TheoTTXVN