THCL - Ông Valls gia nhập đường đua khi các đối thủ đã chiếm lĩnh phần lớn sân khấu chính trị tại Pháp, dồn phe trung tả vào thế bị động...

Truyền thông quốc tế đưa tin, chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Italia Matteo Renzi từ chức, đến lượt Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng lên tiếng rời bỏ chức vụ.

Ông Renzi thì từ chức vì thất bại của lực lượng cầm quyền sau cuộc trưng cầu dân ý, còn ông Valls từ chức để tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2017.

EU lâm nguy: Tín hiệu từ nước Pháp? - Hình 1

Cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Ảnh : AP

Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng sự ra đi của hai ông Renzi và Valls sẽ mang cùng một ý nghĩa. Đó là đánh dấu sự thất bại của lực lượng cầm quyền tại hai quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 của EU hiện nay. Tại sao lại nhận định như vậy?

Cơ hội cho đảng Xã hội tiếp tục nắm quyền tại Pháp quá nhỏ nhoi

Khi Tổng thống Francois Hollande lên tiếng không theo đuổi một nhiệm kỳ nữa thì Thủ tướng Manuel Valls được trao cơ hội đại diện cho đảng Xã hội cầm quyền trong cuộc đua với đại diện phe trung hữu là cựu Thủ tướng Francois Fillon và đại diện phe cực hữu là bà Marine Le Pen. Song dường như quyết định của ông Valls xem ra đã muộn, muộn trên hai nghĩa.

Một là muộn về thời gian, khi chỉ còn hơn 5 tháng cho một chiến dịch tranh cử đầy bất lợi bởi mức độ tín nhiệm của người dân Pháp dành cho chính phủ đang ở mức thấp. Hai là muộn về thời điểm, bởi ông Valls chọn gia nhập đường đua khi các đối thủ đã chiếm lĩnh phần lớn sân khấu chính trị, dồn phe trung tả vào thế bị động.

Do vậy, để dựa vào lợi thế là đại diện đảng cầm quyền từ đó tạo ra ưu thế trên đường đua là rất khó với ông Valls. Người viết cho rằng, với thực tế tại nước Pháp và sự đổi thay của tình hình thế giới thì đảng Xã hội khó có thể làm chủ điện Elysees một nhiệm kỳ nữa. Do vậy, quyết định của ông Valls có thể khiến sự ra đi của ông không khác gì ông Renzi.

Có thể thấy rằng, chính quyền của Tổng thống Hollande đang chịu thách thức của lực lượng cánh hữu nổi lên mạnh mẽ bởi sự tác động từ ba hiệu ứng. Thứ nhất là hiệu ứng Trump từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Chiến thắng của ông Donald Trump là một sự khích lệ đối với lực lượng theo chủ nghĩa quốc gia tại Pháp.

Bên cạnh đó, chiến thắng của vị tỷ phú bất động sản còn là sự thẩm định lại giá trị truyền thống phương Tây, điều đó đưa chính quyền của đảng Xã hội Pháp vào thế bất lợi bởi giá trị ấy đang là nền tảng quyền lực cho đảng đương quyền. Do vậy, các đối thủ của ông Valls như được tân Tổng thống Mỹ trao cho thứ vũ khí quá lợi hại trong cuộc đua tranh.

Thứ hai là hiệu ứng “ngưỡng mộ Putin” trong cộng đồng dân chúng tại Pháp và nhiều quốc gia EU khác. Việc Putin giúp nước Nga vượt cấm vận, rồi tương kế tựu kế với những nước đi chiến lược giúp nâng cao vị thế và vai trò của nước Nga trên trường quốc tế, không chỉ ảnh hưởng đến các lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tuý mà cả các lực lượng cánh hữu và trung hữu tại Pháp.

Cho dù, chính quyền của Tổng thống Holland không phải quá cực đoan trong quan hệ với Moscow, nhưng việc tuân thủ lệnh cấm vận của Washington đã vô hình trung trở thành điểm bất lợi với ứng cử viên đại diện đảng cầm quyền ra tranh cử Tổng thống Pháp sắp tới. Và các đối thủ đã nhanh chóng tận dụng lợi thế ấy để làm sáng lên đường đua cho mình.

Thứ ba, hiệu ứng tiêu cực từ sự rệu rã trong hệ thống cấu trúc của EU cũng là một trở ngại rất lớn cho đảng đương quyền tại Pháp. Khi nước Anh rời EU thì Đức – Pháp – Ý trở thành bộ ba quyền lực trong EU, nhưng nay cái “kiềng ba chân” ấy đã gãy một chân sau khi Thủ tướng Italia Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 4/12 vừa qua.

Thủ tướng Đức Merkel thì cũng đang phải đối mặt với sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại nước này. Thực tế ấy có tác động rất lớn tới chính trường Pháp và lực lượng chịu bất lợi nhất chính là đảng đương quyền.

Như vậy, ông Valls ra tranh cử mà chỉ hy vọng lách qua khe cửa hẹp để chiến thắng, khiến cơ hội của ông trở nên rất nhỏ nhoi.

Việc thay đổi trong chính phủ Pháp có thể làm tối thêm đường đua của ông Valls

 Theo the Guardian cho biết, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng thay cho ông Manuel Valls. Ông Cazeneuve, 53 tuổi, một trong những phụ tá trung thành nhất của Tổng thống Hollande.

Ông Cazeneuve không được biết đến nhiều ở Pháp, cho đến khi trở thành người phát ngôn của chính phủ vào năm 2012.

Với cá nhân người viết thì việc lựa chọn ông Bernard Cazeneuve cho chức vị Thủ tướng Pháp trong thời điểm hiện nay là chẳng đặng đừng với Tổng thống Hollande. Bởi lẽ ông Cazeneuve không được xem là người thích hợp nhất ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng thay cho ông Valls. Nhưng Tổng thống Hollande không còn sự lựa chọn nào khả dĩ hơn.

Điều đó báo hiệu một sự một sự hậu thuẫn không lấy gì làm sáng sủa cho ông Valls từ chính phủ Pháp và đảng đương quyền. Trong khi đó, tân Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve bị quy trách nhiệm cho lỗ hổng an ninh tại Pháp, khi để xảy ra liên tiếp các vụ tấn công khủng bố tại nhiều nơi trên đất nước Pháp, với nhiều cách thức khác nhau.

EU lâm nguy: Tín hiệu từ nước Pháp? - Hình 2

Tân Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve. Ảnh : AFP

Khủng bố vốn đã trở thành nỗi ám ảnh với ông Francois Hollande trong quãng đời làm Tổng thống của mình. Đặc biệt, những vụ tấn công đẫm máu từ cuối năm 2015 đến mùa hè năm 2016 – khi diễn ra mùa Euro – đã là thách thức rất lớn với chính quyền Pháp. Tuy nhiên, những phản ứng của chính phủ dường như không làm hài lòng người dân Pháp.

Đây được cho là yếu tố ảnh hưởng nhất tới sự tín nhiệm của người dân Pháp dành cho điện Elysees và chính phủ Pháp, mà Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve là người bị chỉ trích nhiều nhất. Nay ông Cazeneuve ngồi vào ghế Thủ tướng khiến người dân Pháp lo lắng vấn đề an ninh cho nước Pháp lại có thể bất ổn.

Tổng thống Francois Hollande đang có mức tín nhiệm quá thấp nên nhường Thủ tướng Manuel Valls đại diện cho đảng Xã hội ra tranh cử Tổng thống Pháp, song xem ra ông Valls chưa hẳn đã đáp ứng được kỳ vọng của người đứng đầu nước Pháp hiện nay. Có thể nhận diện điện Elysees sẽ đổi chủ vào năm 2017 mà chiến thắng không dành cho đại diện đảng đương quyền.

Như vậy, phải chăng việc Thủ tướng Pháp Manuel Valls từ chức là dấu mốc chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền lực giữa phe trung tả cho phe cánh hữu hay cực hữu? Và nếu đúng như vậy thì có lẽ Liên minh Châu Âu đã đến lúc phải sang trang.

Ngọc Việt - Baodatviet