(Ảnh minh họa)
Theo đó, Bộ GTVT giao Ban QLDA đường sắt chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lập 2 dự án, gồm Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh (số vốn 1.950 tỷ đồng); Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (số vốn 1.400 tỷ đồng). Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban QLDA đường sắt Việt Nam tổ chức lập 2 dự án: Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (số vốn 1.800 tỷ đồng); Dự án Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (số vốn 1.850 tỷ đồng).
Nhằm sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư cũng như không trùng lặp hạng mục, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương rà soát tổng thể các dự án sửa chữa, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.HCM đã được bố trí vốn (bao gồm cả vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020) theo các giai đoạn thực hiện (kèm theo báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án) để báo cáo Bộ GTVT xem xét trong quá trình chuẩn bị đầu tư 04 dự án đường sắt quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện tại đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư (hoặc đã phê duyệt đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện): cần xác định điểm dừng chuẩn bị đầu tư của các dự án, nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành; đồng thời, nghiên cứu đề xuất dừng dự án để quyết toán giai đoạn chuẩn bị đầu tư làm cơ sở đề xuất các hạng mục quan trọng, cấp bách xem xét đầu tư trong 4 dự án nêu trên và các giai đoạn tiếp theo của kế hoạch trung hạn
Còn đối với các dự án đang thực hiện đầu tư: Rà soát khối lượng còn lại chưa được cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, xác định điểm dừng kỹ thuật của dự án, báo cáo Bộ GTVT xem xét dừng và quyết toán dự án hoàn thành làm cơ sở đề xuất các hạng mục quan trọng, cấp bách xem xét đầu tư trong 4 dự án nêu trên và các giai đoạn tiếp theo của kế hoạch trung hạn.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 556/NQ – UBTVQH14 thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho các Dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách. Trong 15.000 tỷ đồng nguồn vốn đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 4 dự án đường sắt.
Việc thực hiện xây dựng 4 dự án đường sắt về cơ bản sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu; từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến (từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m); giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm như hiện nay lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm; khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần; tốc độ tàu khách tăng lên bình quân trên 80Km/h, tàu hàng là 50Km/h trên trục đường sắt Bắc - Nam.
Hằng Vương (T/h)