THCL Mỗi năm, khoảng 500.000 tấn hoa quả Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tuy nhiên, thực tế, quy trình kiểm soát chất lượng những loại hoa quả này còn rất lỏng lẻo. Thêm vào đó, một số lượng không nhỏ tiểu thương đã sử dụng chiêu trò để "thay tên đổi họ" cho những loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm dễ dàng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. 

Chuyển từ cửa khẩu về tới chợ đầu mối, những thùng hoa quả Trung Quốc vẫn được giữ nguyên tem mác xuất xứ. Tuy nhiên, khi mang đi tiêu thụ, các tiểu thương đã thay đổi nhãn mác nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Lật tẩy chiêu “thay đổi khai sinh” cho hoa quả Trung Quốc - Hình 1

Ảnh minh họa

Theo đó, nhiều loại trái cây như quýt, táo, lê, nho... bán cho cửa hàng bán lẻ đều sẽ bị xóa bỏ nhãn mác xuất xứ để tiêu thụ dưới danh nghĩa nông sản từ các tình thành trong nước. Điều đó khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Tại chợ Long Biên (Hà Nội), vốn được mệnh danh “thủ phủ” hoa quả Trung Quốc, la liệt các loại quả như nho, táo, lê tính giá theo thùng, khoảng 150.000 đồng/thùng.  Chỉ cách chợ đầu mối Long Biên chưa đầy 3 km, những sạp hoa quả xung quanh chợ Hàng Da (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày bán cherry đỏ với giá 550.000 đồng/kg, Kiwi: 350.000 đồng/kg. Những chiếc thùng xốp nhãn Trung Quốc vứt đầy trong sạp, nhưng chủ sạp hàng vẫn tuyên bố hoa quả nhập khẩu từ… Canada. Như vậy, với giá nhập từ đầu mối, tiểu thương tại đây lãi khủng hơn 400.000 đồng/kg cherry.

Không chỉ xuất hiện tại các quận nội thành, mà ngay tại các vùng giáp ranh như khu vực Nhổn – Cầu Diễn cũng xuất hiện nhiều xe thồ bày bán hoa quả không rõ nguồn gốc nhưng được rao là hàng Việt. Chủ một cửa hàng kinh doanh hoa quả trên đường Hồ Tùng Mậu quảng cáo: Nho xanh chính gốc Ninh Thuận 25.000 đồng/kg, mận tím Sa Pa chỉ 30.000 đồng/kg, đào Tây Bắc 20.000 đồng/kg… Khi được hỏi giá rẻ như vậy phải chăng là hàng Trung Quốc, hầu hết người buôn bán đều khẳng định: “Hàng Tàu” nhiều chất bảo quản ăn vào ảnh hưởng đến sức khỏe, bán chả ai mua nên 100% hoa quả bày bán là hàng Việt Nam, không có hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại các điểm bán hàng trong các chợ thường có các thùng xốp đựng hoa quả dùng để vận chuyển và ghi chữ Trung Quốc, in hình các loại hoa quả mà được giới thiệu là hàng Việt Nam.
Thắc mắc về điều này, một chị bán hàng tại chợ Dịch Vọng đành “thật thà”, đây là hàng Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng bây giờ họ không chuộng các mặt hàng từ Trung Quốc nên mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá.

Nếu như trên thị trường tự do bán đủ loại hoa quả do người Việt sản xuất thì tại các siêu thị như Big C, Fivimart, Hapro… đều không bán mặt hàng này. Trả lời trên báo chí, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (DN sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) khẳng định: Các loại như đào, mận Tây Bắc, nho xanh Ninh Thuận, dưa vàng… mà các tiểu thương đang bán trên thị trường đều là hàng Trung Quốc. Lý giải cho khẳng định đó, bà Hậu cho rằng, bởi thời kỳ thu hoạch những sản phẩm này tại Việt Nam đều đã hết. Cụ thể, tháng 4, tháng 5, Ninh Thuận vào mùa thu hoạch nho, các loại mận tím, mận xanh chỉ có vào tháng 5, tháng 6, đào Lào Cai được thu hoạch từ hồi tháng 5 đến đầu tháng 7 đã hết vụ.

Hoa quả không rõ nguồn gốc, phần nhiều trong số đó nhập từ Trung Quốc, nhưng được tiểu thương gắn mác “Việt Nam” là vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát lại không dễ dàng. Điều đó cho thấy, đang có lỗ hổng lớn trong việc quản lý nông sản, trái cây đối với các tiểu thương bán lẻ. Trong khi đây là một kênh phân phối lớn do thói quen tiêu dùng của người dân thì ngành chức năng lại đang không thể kiểm soát. Chưa có tiêu chí đánh giá mức độ độc hại của dư lượng thuốc bảo quản trong hàng nông sản, trái cây nhập khẩu (nhất là từ Trung Quốc) đối với người tiêu dùng; lực lượng chức năng không có căn cứ để xử lý; việc lấy mẫu, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên, liên tục… khiến người tiêu dùng đang nơm nớp mỗi khi đi chợ.

Ngọc Linh