Lễ hội Chùa Tiên (Hoà Bình): Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong quản lý - Hình 1

Chùa Tiên (huyện Lạc Thuỷ, Hoà Bình)

Tồn tại nhiều bấp cập

Từ năm 2017, UBND huyện Lạc Thủy có chủ trương, sẽ thu hồi các di tích trước đây đã từng giao cho một số gia đình quản lý khai thác, nay sẽ giao lại cho BQL Các khu di tích huyện Lạc Thuỷ quản lý theo đúng quy định của Luật Di sản. Nhưng điều này đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của một số gia đình có liên quan, bởi họ cho rằng ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Lý do một số gia đình đưa ra đó là “họ đã có công phát hiện những điểm động, đã bỏ tiền và công sức để cải tạo, tu sửa nhằm thu hút khách thập phương về tham quan trẩy hội”. Những năm qua, tiền công đức và tiền giọt dầu của khách thập phương cúng tiến, thì những gia đình này được hưởng, sau đó trích lại một tỷ lệ nhất định cho ngân sách địa phương và huyện theo hình thức giao khoán.

Ghi nhận của PV, một số điểm di tích trong quần thể, khi du khách vào tham quan động, tại đây luôn có người túc trực để mời gọi du khách vào xin lộc, rồi xin nước rửa mặt, nước rửa tay… để lấy may, khi du khách có nhu cầu, đồng nghĩa với việc phải đặt tiền giọt dầu hay công đức tại điểm đó.

Có điểm còn thêu dệt lên câu chuyện thần thánh, mời gọi du khách xin “nước thánh”. Nhưng theo tìm hiểu thì, nước đó được các gia đình đóng chai mang từ chân núi lên đề “lòe” du khách, du khách muốn lấy nước “thánh” cũng phải đặt tiền hoặc công đức thì mới có lộc (?!).

Mặc dù không ép buộc, nhưng những lời mời quá nhiệt tình đó cũng khiến du khách cảm thấy không vui, nếu không làm theo hướng dẫn. Với những người đi lễ bằng cái tâm hướng thiện, không cuồng tín vì những lời thêu dệt thái quá, thì những việc làm đó đã làm cho du khách có cái nhìn không mấy thiện cảm về chùa Tiên nói riêng và công tác quản lý lễ hội của Hòa Bình nói chung.

Hài hòa lợi ích các bên

Trao đổi với PV, ông Đỗ Danh Ngọc, Trưởng BQL cho biết: “Trong quần thể di tích và danh lam thắng cảnh chùa Tiên, tính từ năm 1989 -2011, có 16 điểm đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, 4 điểm được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Trước đây, UBND xã Phú Lão quản lý các điểm di tích và giao cho một số gia đình khai thác. Năm 2012, BQL được thành lập và được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý các điểm di tích trong quần thể di tích chùa Tiên, nhưng vẫn theo phương thức quản lý của UBND xã Phú Lão (từ 2012 – 2017). Cơ chế vẫn cho phép thủ nhang, thủ từ quản lý và khai thác tại các điểm di tích, giao khoán cho các gia đình đó được quản lý tiền công đức và tiền giọt dầu. Cơ chế này, đã tạo ra thương mại hóa và buông lỏng trong quản lý trong khai thác di tích, làm ảnh hưởng tới giá trị và tâm linh tín ngưỡng.

Khi UBND huyện có chủ trương thu hồi di tích về giao lại cho BQL, thì các gia đình đó không ủng hộ, muốn được cùng tham gia quản lý và mong muốn được hưởng ưu đãi từ di tích ổn định lâu dài.

Để quản lý di tích đúng với quy định của Nhà nước và có cơ chế, chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân được tham gia phối hợp quản lý, năm 2018, huyện đã xin ý kiến các cơ quan quản lý, cũng như đi học tập mô hình quản lý di tích ở các tỉnh, UBND huyện cũng ban hành cơ chế, chính sách phối hợp quản lý di tích giữa tổ chức và cá nhân cụ thể.

Với những điểm di tích trước đây đã giao cho các gia đình trực tiếp quản lý khai thác, nay vẫn được các cơ quan có thẩm quyền cho phép họ tham gia phối hợp quản lý, những gia đình này sẽ được hưởng 100% tiền giọt dầu tại các điểm đó, tiền giọt dầu thu được sẽ sử dụng trả vào tiền đầu tư di tích trước đây, tiền nhân sự quản lý tại từng điểm, hương nhang, vệ sinh môi trường, điện thắp sáng tại điểm đó. Đồng thời, các gia đình phải có trách nhiệm phối hợp với BQL quản lý tiền công đức, 100% số tiền công đức của khách thập phương sẽ được BQL thu và nộp vào ngân sách.

Còn những di tích nhà nước đã quản lý, sẽ giao cho BQL quản lý toàn bộ tiền công đức và tiền giọt dầu, BQL trực tiếp phối hợp để tiếp nhận, sau đó nộp vào tài khoản tại kho bạc để phục vụ cho việc đầu tư tôn tạo, nâng cấp sửa chữa di tích và hạ tầng theo quy định. Đồng thời, trích một phần kinh phí cho địa phương có di tích để chi cho các hoạt động phối hợp quản lý di tích”.

Ông Ngọc chia sẻ: “Trong quá trình thay đổi cơ chế, chính sách quản lý, để giữ gìn di tích phát triển đúng với quy định, phát huy giá trị di sản của quốc gia. BQL đã tuyên truyền đến từng tổ chức, cá nhân biết được các quy định quản lý khai thác di tích theo quy định của luật.

Tuy nhiên, một số cá nhân vì lợi ích nhóm, đã cố tình không hiểu các quy định đã ban hành, đứng đằng sau xúi giục, thậm chí đòi hỏi yêu sách để ở giữa hưởng lợi thương mại từ di tích; cố tình hiểu sai về cơ chế, chính sách, điều này làm mất an ninh trật tự tại địa phương...”.

Mặc dù Luật Di sản, các văn bản hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương về cơ chế, chính sách, quản lý khai thác di tích đã được ban hành, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Thiết nghĩ, tùy từng tình thực tế của địa phương, các cơ quan quản lý cần mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn quản lý phù hợp với thực tiễn.

Với những bất cập tại Chùa Tiên, tỉnh Hoà Bình cần sát sao để nắm bắt tình hình, chỉ đạo để vận động các gia đình tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ban hành cơ chế chính sách cụ thể để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và hài hoà lợi ích giữa các bên; đảm bảo được yếu tố tâm linh, duy trì và bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch, cũng như phát triển kinh tế của địa phương và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

 Thanh Bình