Sau nhiều năm nghiên cứu và phục dựng, Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được tổ chức vào đầu Xuân Mậu Tuất 2018, với không gian trải dài theo đất phát tích, chính là sự khởi đầu cho chuỗi các hoạt động gắn với màu sắc linh thiêng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018.

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa: Điểm nhấn xây dựng Việt Trì thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn - Hình 1

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa: Điểm nhấn xây dựng Việt Trì thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn - Hình 2

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa: Điểm nhấn xây dựng Việt Trì thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn - Hình 3

Đây cũng là cơ sở để tỉnh xây dựng Hồ sơ di sản trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, góp phần quy hoạch khu di tích trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, phục vụ đồng bào và du khách thập phương.

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa gồm 2 phần. Đối với phần lễ, các nghi thức từ Cáo yết, cúng Thần Nông đến hoạt động tế lễ, đặc biệt là phần tái diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường Minh Nông cùng các tầng lớp nhân dân tiến hành đầy đủ, trang nghiêm. Sau phần lễ, phần hội được tiến hành bằng hoạt động thi cấy lúa của các đội và các trò chơi dân gian với sự tham gia đông đảo của người dân và du khách thập phương. Lễ hội mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước Việt Nam gắn liền với thời đại Hùng Vương. Đồng thời, tạo điểm nhấn về hoạt động lễ hội trong tiến trình xây dựng TP Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa: Điểm nhấn xây dựng Việt Trì thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn - Hình 4

Theo truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, Minh Nông là tên gọi vùng đất khởi thủy của nghề nông, xưa thuộc Kẻ Nú hay làng Nú. Theo các nghiên cứu, Nú đồng nghĩa và đồng âm với Lú nghĩa là Lúa, cho nên Kẻ Nú còn gọi là Kẻ Lú hay Kẻ Lúa, nghĩa là Làng Lúa. Kẻ Nú xưa, nay là phường Minh Nông (TP Việt Trì) gồm các xóm: Hồng Hải (xóm Giải Làng), Thông Đậu (xóm Đõ), Minh Tân (xóm Nhúi), Minh Bột (xóm Đồi Ngược), Hòa Phong (đồi Lúa, đồi Rơm).

Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, xưa kia nhân dân chưa biết cày, cấy để làm ra thóc, gạo mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng. Thấy vùng đất ven sông sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông, thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về.

Mùa xuân, Vua cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những trà ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Các Mị nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo.

Đời sau, nhân dân nhớ công ơn Vua Hùng, đã tôn làm ông tổ nghề nông và dựng đàn Tịch Điền quay lưng về hướng tây nam ngay trên mỏm đất Vua ngồi khi dạy dân cấy lúa; đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú.

Dấu tích vật chất gắn với không gian thực hành lễ hội truyền thống trước đây, hiện vẫn còn tại ba khoảnh đất, nơi có đền Thượng (đầu xóm Giải Làng) thờ Cao Sơn Đại Vương; đền Trung (ở giữa xóm Giải Làng) thờ Ngọc Cảnh Đại Vương và đền Hạ (ở cuối xóm Giải Làng) thờ Nàng Nội, một nữ tướng thời Hai Bà Trưng.

Hiện nay, trong phạm vi không gian đền Thượng, người dân xây dựng một ngôi chùa thờ Phật và thờ các nhân vật khác được dân làng tôn vinh, thờ phụng. Cách ba ngôi đền khoảng 1 km là đàn tế Vua, hay còn gọi là đàn Tịch điền, được đặt trên khoảnh đất vua Hùng đến dạy dân cấy lúa năm xưa. Đây cũng là trung tâm tế lễ hằng năm của người dân làng Minh Nông khi mỗi kỳ bắt đầu thời vụ.

Hoan Nguyễn