Sau một năm xung đột khốc liệt, Dải Gaza đã trở thành vùng đất hoang tàn với hàng chục nghìn người thiệt mạng, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Trẻ em là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm kịch tại Gaza. (Nguồn: AFP)
Trẻ em là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm kịch tại Gaza. Nguồn AFP.

Đó là nhận định của ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 7/10.

Theo ông Lazzarini, mỗi ngày trôi qua, 2 triệu người dân Gaza phải đối mặt với nỗi đau không thể diễn tả thành lời. Họ mắc kẹt trong những trận mưa bom, bị cưỡng ép rời bỏ nhà cửa, đối mặt với bệnh tật, đói khát và cái chết.

Đặc biệt, trẻ em là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất, với hơn 650.000 em mất cơ hội học tập và bị chấn thương tâm lý.

Cuộc xung đột không chỉ ảnh hưởng đến Gaza mà còn lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông. Ông Lazzarini cảnh báo, việc mở rộng xung đột sang Lebanon đang gây ra thảm họa cho dân thường, khiến nhiều người phải sống lại những ký ức đau thương từ quá khứ.

Kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Dải Gaza tháng 10/2023, số người Palestine thiệt mạng lên đến 41.909 người và 97.303 người bị thương. Con số tiếp tục tăng lên từng ngày, cho thấy mức độ tàn phá nghiêm trọng của cuộc chiến.

Ảnh UNICEF
Liên Hợp quốc bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm luật nhân quyền tại Gaza. Ảnh UNICEF

Trong bối cảnh này, một số quốc gia đã có động thái ngăn chặn vũ khí đến Israel. Gần đây, Malta đã cấm tàu buôn MV Kathrin chở vật liệu nổ đến Israel tiến vào vùng biển nước này. Quyết định được đưa ra sau khi bà Francesca Albanese, Báo cáo viên đặc biệt Liên Hợp quốc về các vùng lãnh thổ Palestine, kêu gọi chính phủ Malta hành động để ngăn chặn con tàu đưa vũ khí đến cho Tel Aviv.

Bên cạnh đó, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng vi phạm luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế nghiêm trọng của các bên tại Gaza.

UNHCR chỉ ra các hành vi bạo lực như tấn công trường học, tổ chức nhân đạo, bệnh viện, bắt giữ con tin, cưỡng ép người dân di dời...

Theo bà Shamdasani, người phát ngôn của UNHCR, khi không có sự trừng phạt đối với những vi phạm nhân quyền này, các bên tham chiến trở nên táo bạo hơn trong việc tiến hành những chiến dịch quân sự không tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Các động thái này dẫn đến một vòng xoáy trả thù, bạo lực và bất công ngày càng gia tăng trong khu vực.

Theo Tân Hoa xã