Tọa đàm nhằm làm rõ sự cần thiết và nội hàm của “Liên kết 6 nhà; xác định điều kiện cần và đủ của các “Nhà” để cùng hợp tác, cùng phát triển cho nông sản Việt Nam. Từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách và tạo cơ chế để liên kết 6 nhà. Đồng thời khởi tạo một số liên kết 6 nhà thực tế cho một số nông sản cụ thể.
Đại diện cho nhà nông (nhà sản xuất), ông Lê Văn Lanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nam Phương Tiến, với sản phẩm chủ lực là quả bưởi Diễn được sản xuất theo quy trình VietGap, ứng dụng truy xuất nguồn gốc QR Code chia sẻ: Trong mối quan hệ 6 nhà, HTX quan tâm đặc biệt tới nhà khoa học, nhà nước và nhà phân phối, với mong muốn cụ thể: Nhà khoa học nghiên cứu ra những ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất không phụ thuộc vào thiên nhiên; Nhà nước vào cuộc quy hoạch vùng sản phẩm, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân trong sản xuất; Cuối cùng là đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội cần có những cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho những hộ dân có nhu cầu về vốn, nâng hạn mức cho vay…
Về phía nhà phân phối, đại diện Hapro cho biết: Nhà phân phối muốn liên kết trực tiếp với nhà sản xuất để có sản phẩm với chất lượng và giá cả tốt nhất. Tuy nhiên, thực tế cũng vấp phải không ít khó khăn trong yêu cầu về giấy chứng nhận, xuất xứ, VietGap, chứng chỉ nhiều khi chưa chuẩn… Vì vậy, mong cơ quan nhà nước kiểm tra thực tế những vùng nguyên liệu, vùng sản xuất; cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và cơ quan nhà nước.
Đại diện nhà khoa học chỉ ra thực tế, tại Việt Nam, nhiều nhà sản xuất chưa sẵn sàng trả tiền cho nhà khoa học để mua công nghệ (dù là các mô hình trả sau khi có hiệu quả). Đặc biệt, việc bảo hộ sản phẩm chưa tốt dẫn tới nhiều thua thiệt.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ ra 4 khó khăn chính, đó là: Nguồn lực hạn chế; cơ sở hạ tầng vùng sản xuất khó khăn; nhận thức của người sản xuất đôi khi còn hạn chế dẫn tới việc quản lý vốn khó khăn, hiệu quả đầu tư thấp; khó khăn trong gắn kết 6 nhà tại cơ sở…
Tại Tọa đàm, đại diện nhà đầu tư nêu ý kiến, trước hết hãy quan tâm đến chuỗi giá trị, chú ý tới nhu cầu thị trường; hãy làm ra các sản phẩm khoa học phải có giá trị thương mại thông qua bằng sáng chế. Nhà đầu tư thường lấy bằng sáng chế là điều kiện để có thể quyết định đầu tư. Tiếp đến là tuân thủ pháp luật, tuân thủ các quy định, các cam kết của hợp đồng - trong kinh doanh, pháp luật và đạo đức đi cùng nhau. Đồng thời sẵn sàng hợp tác với nhà khoa học, nhà cung cấp giải pháp công nghệ, nhà sản xuất…
Đại diện Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Sản xuất thực phẩm an toàn, hữu cơ và liên kết là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc liên kết thiếu trách nhiệm, “bẻ kèo” nhau liên tục dẫn tới hậu quả xấu. Thêm vào đó, trình độ sản xuất, quản lý, am hiểu thị trường còn hạn chế - đặc biệt với nông dân, cộng với nhiều chính sách chưa đi vào thực tế hay chưa phù hợp khiến việc liên kết hết sức khó khăn.
Qua buổi Tọa đàm, nhà sản xuất đã rút được kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, tuân thủ hợp đồng, tuân thủ pháp luật…Đặc biệt, đại diện 6 nhà đã có cơ hội gặp gỡ để chia sẻ cơ hội và hướng tới hợp tác thành công.
Ông Phạm Đình Nam - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam khẳng định: Tọa đàm là cơ hội để kết nối nhà sản xuất với nhà đầu tư, nhà sản xuất với nhà phân phối, nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng)… Từ đó, các bên có thể chia sẻ những thế mạnh, tiềm năng cũng như những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc… để có thể tìm cách tháo gỡ; bày tỏ những mong muốn, nguyện vọng… để tìm ra cơ hội để hợp tác cùng phát triển.
Đây là cuộc tọa đàm rất kịp thời và thiết thực để thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ. Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư ở Vĩnh Long tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phải có sự liên kết của 6 nhà: “Nhà nước, nhà nông, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối”. Người đứng đầu Chính phủ còn nhấn mạnh “Làm ra nhiều mà không có thị trường, không có nhà phân phối thì không thành công”. Thực ra, việc liên kết giữa các nhà đã có sự chỉ đạo từ hàng chục năm nay, đầu tiên là quyết định 80/2012/QĐ-TTG đến quyết định 62/2013/QĐ-TTG về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn”. Tuy có nhiều chỉ đạo nhưng sự chuyển biến về chất trong hợp tác, liên kết giữa các nhà còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều hợp đồng bị phá vỡ do cả bên mua và bên bán gây ra khi giá cả hàng hóa nông sản trồi sụt thất thường. Đây quả là một sự làm ăn kém bền vững và thiếu liên kết, bên mua và bên bán thiếu sự chân thành, hợp tác; lúc thuận lợi, lúc khó khăn thiếu sự sẻ chia, đặc biệt là đối với mặt hàng nhạy cảm là nông sản thì thực tế này càng gây bất lợi khôn lường.
Gia Linh