Tư duy, tầm nhìn, lộ trình phát triển mới
Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tổ chức ngày 27/09/2023, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.
Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 37 và ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện và là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.
Dự kiến có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
“Nghị quyết 11 đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giải pháp rõ ràng, gắn với một số chủ trương lớn về nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, thí điểm sẽ là cơ sở và là là cơ hội cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/08/2022 với 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đồng thời đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể, 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện với lộ trình thời gian cụ thể.
Nghị quyết của Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0-9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 190.000 tỷ đồng. Là những con số ấn tượng và khả thi có thể đạt được”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của Phó chủ tịch VCCI, trong Nghị quyết của Đảng và Nhà nước nói tới rất nhiều điểm mới. Với tư duy mới, tầm nhìn mới, lộ trình phát triển mới, vận hội mới… chính là nền tảng quan trọng, giúp “vùng lõi nghèo” miền núi Bắc Bộ phát triển đột phá trong thời gian tới.
Tư duy mới là khi không chỉ Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách, mà từng địa phương đều hiểu rõ rằng, liên kết là để phát triển và muốn phát triển thì phải liên kết. Và rằng, tư duy liên kết chính là một bộ phận không thể tách rời của tư duy phát triển. “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Câu ngạn ngữ ấy, cho đến nay vẫn mang tính thời sự, nhất là khi vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đang bàn cách bắt tay nhau phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, liên kết chặt chẽ là khi không chỉ chính quyền mà ngay cả doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một quy hoạch chung cho toàn vùng. Liên kết để hình thành và phát triển hệ thống đô thị kết nối nội vùng với các đô thị lớn vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới.
Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.
Chính sự liên kết toàn diện này sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, để vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thể phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác.
Nếu liên kết vùng tại tất cả các vùng được đẩy mạnh, thì tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng và của cả nước chắc chắn sẽ có bước đột phá. Quan trọng hơn cả, khi liên kết nội vùng được phát triển, doanh nghiệp sẽ tìm thấy sức hút riêng có của vùng.
“Đất có lành, chim mới đậu”, liên kết vùng Trung du miền núi Bắc Bộ không chỉ đem đến động lực mới cho vùng mà còn đem đến sự kết nối từ chính mối dây doanh nghiệp.
Cơ chế liên kết phát triển cho doanh nghiệp
Theo ông Trương Đức Trọng - Chuyên gia dự án PCI, Ban Pháp chế VCCI, một nhà đầu tư khi đến với địa phương cần rất nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng cho đến các vấn đề về chính sách và hoạt động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy, môi trường đầu tư kinh doanh tại khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ rất được quan tâm.
Trong khu vực, các yếu tố về vị trí địa lý chưa thực sự thuận lợi, bởi vì địa hình các tỉnh phần lớn bị chia cắt bởi đồi núi và địa hình cao, tương đối khó khăn cho cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Ngược lại, chúng ta có những thuận lợi để phát triển loại hình nông, lâm nghiệp, đặc biệt là trồng cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới, phù hợp trong việc phát triển kinh tế của địa phương trong tương lai.
Ngoài ra, các tỉnh miền núi Bắc Bộ còn có thế mạnh về khoáng sản, giàu tài nguyên như mỏ than, kẽm, chì, quặng và đất hiếm - một trong những loại tài nguyên quan trọng trong ngành sản xuất công nghệ cao như tại Lai Châu. Đặc biệt là tài nguyên về thủy điện với hệ thống thủy điện dày đặc, là khu vực tiềm năng để khai thác nguồn lợi này.
Tuy nhiên, hạn chế mà các vị lãnh đạo nhiều địa phương đã đề cập nhiều nhất đó là cơ sở hạ tầng. Trong khảo sát PCI của VCCI, chỉ số cơ sở hạ tầng của khu vực miền núi Bắc Bộ có điểm số thấp nhất so với các khu vực khác trên toàn quốc, là một trong những bất lợi lớn trong việc thu hút nhà đầu tư đến địa phương.
Theo vị chuyên gia, một yếu tố nữa rất được nhà đầu tư quan tâm đó là điều kiện kinh tế gồm quy mô thị trường, thu nhập dân cư, sự phát triển chuỗi cung ứng... Có thể thấy, đây là một điều bất lợi của các tỉnh miền núi Bắc Bộ khi GDP bình quân đầu người theo thống kê trong vùng chỉ nhỉnh hơn khu vực Tây Nguyên.
Còn nhiều chỉ tiêu kinh tế khác của vùng cũng tương đối khiêm tốn, như số doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu chế xuất... Để đánh giá mức độ phát triển của địa phương thì cũng chỉ hơn khu vực Tây Nguyên.
Riêng về mức độ phát triển của doanh nghiệp địa phương trên địa bàn tương đối thấp so với mức độ trung bình cả nước. Nếu so với một khu vực gần đó là Đồng bằng sông Hồng thì cũng thấp hơn khá nhiều, có một số địa phương có giá trị tương đối gồm Lào Cai, Thái Nguyên với khoảng 04 doanh nghiệp/1000 dân, gần với giá trị trung bình của vùng Đồng bằng sông Hồng (06 doanh nghiệp/1000 dân).
Đáng chú ý, thu hút vốn FDI cũng không phải thế mạnh của địa phương khi sự chênh lệch rất rõ rệt. Qua khảo sát, hiện nay chỉ có Bắc Giang là tam giác thu hút vốn FDI của vùng cùng với Thái Nguyên, Phú Thọ. Ở các địa phương còn lại có rất ít các dự án FDI.
“Chúng tôi tính toán số lượng doanh nghiệp tích lũy từ năm 1988 sẽ thấy, Bắc Giang là một trong những điểm sáng trong thời gian gần đây, còn Thái Nguyên thì có dự án đầu tư lớn từ Samsung, góp phần vào kết quả của địa phương. Các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn thì số dự án đầu tư nước ngoài rất ít ỏi.
Đáng chú ý, tỷ lệ lao động tại địa phương đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp không cao. Nếu trung bình toàn quốc là 39% vẫn là con số tương đối thấp, thì ở các địa phương trong khu vực miền núi Bắc Bộ còn thấp hơn. Điều đó cho thấy vấn đề chất lượng lao động là một trở ngại địa phương, dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động”, ông Trọng nêu.
Trước thực tế trên, ông Trương Đức Trọng cho rằng, chúng ta cần phải tăng cường liên kết ngành trong các hoạt động về môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương.
Gần đây nhất, PCI cũng đã tham gia làm cầu nối hỗ trợ cho 04 tỉnh thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên thực hiện sáng kiến Kết nối trục cao tốc phía Đông. Từ đó sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho 04 địa phương trong vùng, biến đây thành cực phát triển kinh tế của miền Bắc.
Có thể thấy, các tỉnh miền núi Bắc Bộ đã xây dựng khối liên kết như vậy từ lâu, nhưng cần làm sâu sắc hơn mối liên kết đó, để trong thời gian tới có thể tăng cường liên kết giữa các vùng ở một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Có những địa phương đã có mô hình rất tốt như Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai thì có thể lan tỏa sang những địa phương còn lại trong vùng; chia sẻ kinh nghiệm.
Thứ hai, liên kết trong thương mại. Đôi khi một địa phương không đủ mà cần phải có một vùng nhiều địa phương cùng tham gia.
Thứ ba, liên kết về hạ tầng giao thông, logistics và phát triển chuỗi cung ứng. Đây là một đề tài rất rộng cần thảo luận thêm, nhưng cũng rất quan trọng đặc biệt là vấn đề về giao thông.
Thứ tư, liên kết trong đề xuất chính sách. Một địa phương có tiếng nói chưa đủ, nhưng nhiều địa phương chắc chắn sẽ được Chính phủ, các bộ ngành lắng nghe nhiều hơn.
Thứ năm, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, liên kết bảo vệ môi trường cũng là một chủ đề cần thiết.
“Đây là những chủ đề liên kết rất quan trọng để thúc đẩy môi trường kinh doanh tại địa phương đồng thời, chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn đó là phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia có cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, điều này sẽ không thể làm được nếu không có sự tham gia tích cực của các địa phương. Vì vậy ngay từ bây giờ, các địa phương cần lồng ghép mục tiêu này trong chiến lược phát triển của mình”, đại diện Ban Pháp chế VCCI kiến nghị.
Trần Nguyên