Liên kết còn hạn chế
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế.
Trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX thì vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế (còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế).
Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Với khu vực kinh tế tập thể, HTX hiện nay, vai trò liên kết vùng lại càng trở nên quan trọng khi mà khu vực này đang thu hút khoảng 7 triệu thành viên. Các HTX hiện nay đã thu hút được 3,28 triệu hộ nông dân (chiếm khoảng 38% tổng số hộ nông dân cả nước). Trên địa bàn cả nước đã tổ chức được trên 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của trên 300 công ty, 150 HTX.
Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản từ 10% năm 2017 (trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp) lên hơn 30% hiện nay, trong đó tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37% (tăng 25%).
Mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản
Ông Dương Thái Trung, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chỉ rõ tình trạng nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logicstics vừa thiếu vừa yếu trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao lại khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng; tập quán, thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng (thích đồ tươi sống, mua bán linh hoạt, giá bán cạnh tranh hơn…); thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chưa dự báo phân tích thị trường kịp thời về sản lượng và giá bán; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường.
Hơn nữa, cơ chế chưa hấp dẫn, nên khó thu hút được các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia kinh doanh nông sản; đầu tư xã hội cho nông lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp trong tổng đầu tư của xã hội.
Chính vì thế, theo ông Trung, rất cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển mạnh thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online.
Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng thương mại, để phát tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng. Thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vì đây là nguồn lực để phát triển nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, liên kết vùng đối với doanh nghiệp và HTX cũng cần có “nhạc trưởng” để tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng, cả đột phá về thể chế, đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng nhằm tạo đà chuyển dịch cơ cấu kịnh tế, trong đó, có kinh tế hợp tác, HTX. Từ đó, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu cho phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, trách nhiệm của “nhạc trưởng” trong liên kết vùng là cần làm sao gia tăng được sợi dây liên kết để tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp và HTX. Nhất là phải két nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu
Xét về việc xây dựng vùng nguyên liệu, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), điều quan trọng là cần gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững).
Hơn nữa, vùng nguyên liệu phải theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển tuần hoàn…
Ngoài ra, đó còn là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để hình thành các chuỗi giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phải đồng bộ với cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực để sản xuất hiệu quả, bền vững.
Cho nên, mục tiêu đặt ra là cần hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô 166.800 ha. Phạm vi 5 vùng sản xuất nguyên liệu thuộc 13 tỉnh. Thứ nhất là Sơn La, Hòa Bình: Vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc với diện tích 14.000 ha. Thứ hai là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế: Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…): 22.900 ha.
Thứ ba là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông: Vùng cà phê Tây Nguyên: 19.700 ha. Thứ tư là An Giang, Kiên Giang: Vùng lúa gạo Tứ giác Long Xuyên: 50.000 ha. Thứ năm là Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang: Vùng cây ăn quả Đồng Tháp Mười: 60.200 ha.
Bên cạnh đó, theo ông Toản, mục tiêu là phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân sản xuất nguyên liệu; Giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5-10%; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và gia tăng giá trị từ 10-20%.
Bên cạnh đó, về nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến việc huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng.
Theo TS. Lực, một số vấn đề đặt ra là cần giải bài toán huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng là rất cần quan tâm giải quyết. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA. Có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng hơn đối với cả ngân hàng thương mại tham gia cho vay. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong những dự án huy động vốn từ thị trường trái phiếu Nâng cao chất lượng, năng lực thẩm định, thi công và quản lý các dự án, không để xảy ra việc đội vốn quá nhiều, chậm tiến độ quá lâu hay đề xuất mức doanh thu kỳ vọng quá cao. Đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp…
Trúc Mai