Đó là tăng cường xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính như cửa khẩu Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái.
Cụ thể, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các nền tảng, ứng dụng thương mại điện tử.
Tăng Danh mục hàng hoá được phép xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và xây dựng cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.
Mở rộng, nâng cấp các cặp cửa khẩu đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương).
Theo Bộ Tài chính, cần đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc về việc:
Ký kết các Nghị định thư về kiểm dịch thực vât đối với các loại trái cây đang được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc để chuẩn hoá các yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Ngày 16/8/2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan có công văn số 3388/TCHQ-HTQT về việc thúc đẩy tạo thuận lợi thông quan hàng hóa với Trung Quốc. Theo đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đàm phán, ký kết Nghị định thư kiểm dịch hàng hóa nông sản xuất khẩu với phía Trung Quốc để giảm tỷ lệ kiểm tra đối với hàng nông sản của Việt Nam, bảo vệ lợi ích của Doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tăng số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.
Về các giải pháp cụ thể tăng cường hiệu quả, hiệu lực vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua đường sắt, hiện nay, ngành Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực đầy đủ để đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo việc kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.
Theo Bộ Tài chính, cần đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt để đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang tăng lên của thị trường; tận dụng được lợi thế luôn thông suốt, ít bị tác động của dịch bệnh, góp phần giảm chi phí logistics, tăng lưu thông hàng hóa của hình thức vận tải bằng đường sắt liên vận quốc tế.
Để đảm bảo phát triển hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trên tuyến vận tải đường sắt, ngày 23/5/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 4612/BTC-TCHQ gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt như:
Nhanh chóng đầu tư đồng bộ trong việc nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhà ga, bến bãi tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, ga liên vận quốc tế Lào Cai và ga liên vận quốc tế Yên Viên như: mở rộng khu vực bãi lưu giữ, xây dựng tường rào chắc chắn, trang bị hệ thống camera, barie, cân điện tử, nhà kho phục vụ kiểm hóa, lưu giữ hàng hóa vi phạm, trang bị máy phát điện cho các chuyến tàu chở hàng.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép tỉnh Bắc Giang và các ga đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để nâng lên thành ga liên vận quốc tế, đáp ứng nhu cầu tăng lên trong vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt, khai thác hiệu quả tối đa thế mạnh của ngành đường sắt.
Đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 5 Luật Đường sắt: cho phép các đơn vị ngoài Tổng công ty đường sắt Việt Nam thực hiện việc khai thác vận tải đường sắt để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả trong khai thác, vận tải đường sắt.
Thúc đẩy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, trao đổi dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận tải giữa các ga đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam và Trung Quốc theo đề xuất được ghi nhận tại Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 43 ngày 28/11/2019; tiến tới đáp ứng cung cấp thông tin trước về hàng hóa, phương tiện và người xuất cảnh, nhập cảnh của hồ sơ chứng từ khai báo cho cơ quan hải quan, biên phòng, y tế và kiểm dịch bằng phương thức điện tử theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.
Bộ Tài chính căn cứ quy hoạch, công bố ga đường sắt liên vận quốc tế và trên cơ sở năng lực, điều kiện cơ sở hạ tầng sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành có liên quan để tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu và nâng cao hiệu quả khai thác, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tại các ga liên vận quốc tế theo quy định của pháp luật nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ trong bối cảnh dịch bệnh và phía Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới.
Ngày 16/8/2022, Bộ Giao thông Vận Tải có công văn số 8406/BGTVT-VT gửi các Bộ ngành xin ý kiến về việc nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đưa một số giải pháp và đề xuất xử lý. Ngày 19/9/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 9470/BTC-TCHQ tham gia ý kiến đối với công văn số 8406/BGTVT-VT. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu, hoàn thiện căn cứ pháp lý liên quan đến việc xây dựng quy hoạch, công bố ga liên vận quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài chính nhất trí với nội dung đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.
Minh Anh