Trao đổi về hoạt động trải nghiệm gắn với thực tế trong dạy học, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) Nguyễn Trọng Văn băn khoăn: Để tổ chức trải nghiệm thực tế cho học sinh thì liên quan đến kinh phí, nhưng nguồn kinh phí lấy ở đâu? Nếu nguồn kinh phí xã hội hóa lại dễ bị biến tướng, bởi ranh giới giữa xã hội hóa và lạm thu để tổ chức trải nghiệm là không rõ ràng.
Có thể nói, lâu nay, tình trạng “vẽ” ra các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường học luôn là vấn đề gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Thực tế ở nhiều trường học đã biến tướng việc tổ chức học tập tham quan, dã ngoại để thu tiền mà ít mang lại kết quả cho giáo dục học sinh. Có nhiều trường ở khu vực phía bắc nhưng tổ chức cho học sinh tham quan, dã ngoại tận các tỉnh phía nam; hoặc phối hợp với các đơn vị, công ty tổ chức thu tiền cao nhưng khi triển khai chương trình lại không đúng như cam kết, khiến phụ huynh học sinh bức xúc.
Đưa hoạt động trải nghiệm vào chương trình học mới nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo không có những quy định cụ thể mà để các trường tự sắp xếp là việc đáng lo ngại. Bởi việc học tập, trải nghiệm có mục đích tốt đẹp là tăng tính thực tiễn, gắn học tập lý thuyết với thực hành, phát huy năng lực của học sinh qua các tình huống thực tế. Tuy nhiên, việc các trường được chủ động tổ chức trải nghiệm mà không có những quy định kiểm soát tổ chức tốt sẽ dễ dàng bị biến tướng, nặng về thu tiền, không thiết thực, kém hiệu quả. Điều đó sẽ đi ngược với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay.
Giang Sơn