Đó là những vấn đề được các đại biểu QH quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vừa qua.

Loạn giá thuốc: Người bệnh chịu nhiều thiệt thòi - Hình 1

Tình trạng kháng thuốc đang ở mức báo động

“Người tiêu dùng có thể chọn lựa…”

Cùng một loại thuốc, người mua đang phải chịu sự chênh lệch giữa giá kê khai với các hiệu thuốc, giữa BV và các hiệu thuốc bên ngoài hoặc giữa các BV với nhau... Điều này đã diễn ra từ lâu khiến người bệnh phải chịu nhiều thiệt thòi.

Thuốc Simulect dùng trong điều trị dự phòng thải ghép do Novartis sản xuất, kê khai giá tại Bộ Y tế là gần 29.700.000 đồng/lọ, nhưng giá bán bên ngoài là 31.500.000 đồng/lọ, chênh nhau gần 2 triệu đồng.

Thuốc bột pha tiêm Herceptin lọ 440 mg được chỉ định trong điều trị ung thư vú di căn có giá là gần 45.600.000 đồng. Tuy nhiên, tại đại lý phân phối lại được rao bán công khai trên website với mức giá là 49.000.000 đồng. Như vậy, từ giá kê khai, qua đại lý phân phối đến tay người bệnh đã có sự chênh lệch tới gần 4 triệu đồng/lọ…

Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng trục lợi từ một số mặt hàng thuốc điều trị đặc biệt nhằm tăng giá thuốc khi nguồn cung bị khan hiếm cũng là một “bài toán” khó đối với công tác quản lý giá thuốc hiện nay.

Tuy nhiên, khi trả lời về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến luôn khẳng định: “Giá thuốc tên gốc trúng thầu ở Việt Nam ở mức thấp so với mặt bằng chung quốc tế và giá thuốc biệt dược trúng thầu ở Việt Nam ở khoảng trung bình so với số liệu quốc tế”.

Bộ trưởng lý giải, với việc ban hành nghị định đấu thầu, thị trường thuốc Việt Nam ổn định, không tăng đột biến. Theo đánh giá của các tổ chức độc lập quốc tế, giá các thuốc biệt dược, thuốc generic của các bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường so với 6 nước ASEAN đều thấp hơn 10%, trong khi thuốc Thái Lan, Philippines lần lượt cao hơn 37% và 19%.

Cũng theo bà Tiến, Bộ đã ban hành Thông tư 11 về giá thuốc. Theo đó, danh mục giá thuốc sẽ được phân ra 3 loại: Thuốc trong BV công lập dùng qua bảo hiểm chi trả; các quầy thuốc trong BV công lập; quầy thuốc bán lẻ ngoài BV. Đối với quầy thuốc trong BV, Bộ Y tế đã thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ để đưa ra giá tham chiếu, cao nhất và thấp nhất sử dụng trên toàn quốc; đối với quầy thuốc bán lẻ bên ngoài, cần tôn trọng giá bán theo thị trường.

“Dựa trên giá kê khai, người tiêu dùng có thể chọn lựa quầy thuốc có giá bán phù hợp, quầy nào bán giá rẻ hơn thì có nhiều người mua và tạo ra sự cạnh tranh”, bà Tiến nói.

Báo động tình trạng kháng thuốc

Trên thế giới, hằng năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi hàng trăm tỷ USD. Và tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, tình trạng kháng thuốc đang ở mức báo động.

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đặt câu hỏi: Trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp nào trong việc lập lại kỷ cương - quản lý các cơ sở buôn bán dược liệu và hạn chế lạm dụng kháng sinh?

Lấy dẫn chứng cho câu hỏi của mình, đại biểu Ánh dẫn số liệu khi khảo sát gần 3.000 hiệu thuốc từ nông thôn tới thành thị ở phía Bắc, thì có tới 8 - 91% hiệu thuốc bán không theo đơn bác sỹ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng bốc thuốc không kê đơn hiện nay, Bộ trưởng Tiến thừa nhận: Đây là yếu kém của ngành, chúng tôi xin nhận trách nhiệm khi người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được thuốc, không cần theo toa. “Ngành y tế đã ban hành nhiều thông tư về kê đơn, quản lý quầy thuốc đạt chuẩn, nhưng họ không tuân theo. Cục Quản lý Dược đang điểm mô hình quản lý, sắp tới sẽ nhân rộng”, Bộ trưởng nói.

Riêng vấn đề lạm dụng kháng sinh, bộ trưởng cho biết đã trình Chính phủ chiến lược về phòng, chống kháng kháng sinh, cố gắng thời gian tới sẽ chuyển sang kê đơn điện tử, bệnh án điện tử để sử dụng thuốc hợp lý hơn.

Phan Chinh