Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP nhằm phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch tại khu vực nông thôn theo hướng bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang vừa có quyết định phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án là phát triển cơ sở hạ tầng, thu nhập và hiện trạng kinh tế - xã hội ở các khu vực nông thôn, nâng cao cuộc sống người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP. Tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 30 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước và nguồn đối ứng xã hội hóa.
Tỉnh phấn đấu tất cả các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn được triển khai đề án và hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các vùng du lịch đều có kế hoạch triển khai đề án và hỗ trợ chuẩn hóa đối với các điểm du lịch nông thôn có tiềm năng theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các điểm du lịch nông thôn, chủ thể các mô hình được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn thành công, được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Đến năm 2025 phấn đấu có ít nhất 4 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, định hướng 5 sao. Đến năm 2030, có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đề ra các nhóm giải pháp về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để các địa phương hình thành các mô hình quản lý về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như: Mô hình các doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành (doanh nghiệp cộng đồng, doanh nghiệp xã hội); mô hình liên doanh giữa cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân...
Tại các địa phương trong tỉnh, các làng nghề truyền thống hay những loại cây ăn trái thương hiệu có chất lượng cao phục vụ du lịch cũng là sản phẩm OCOP của địa phương. Bà Trương Bích Trân - Giám đốc điều hành Điểm du lịch sinh thái xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất chia sẻ: “Với những lợi thế này thì việc kết nối được với các nhà đầu tư chính là vấn đề cốt lõi thúc đẩy cho du lịch đi lên. Một số loại cây nổi tiếng ở xứ Hòn như xoài cát Hòa Lộc Thổ Sơn, bí Vàm Răng, khoai lang Mỹ Thái, táo Sơn Bình, khóm Bình Sơn… rất thu hút du khách. Các sản phẩm này gắn với du lịch sẽ giúp khai thác những lợi thế, tiềm năng, nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường và yếu tố lịch sử ở vùng đất này”.
Ngoài ra, việc mở rộng liên doanh, liên kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác... để thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển. Xây dựng thương hiệu du lịch gắn với sản vật địa phương, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hoá địa phương.
Lê Pháp (t/h)