Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay được tổ chức từ ngày 16/4/2025 (tức ngày 19/3 Âm lịch ) đến ngày 22/4/2025 (tức ngày 25/3 Âm lịch), tại khu di tích Tháp Bà Ponagar, đồi Cù Lao, đường 2-4, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tháp Bà Ponagar là di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Khánh Hòa và cả nước, được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, loại hình “Kiến trúc nghệ thuật” ngày 22/3/1079; Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang cũng được Bộ Văn hóa đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27/12/2012. Ngày 17/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar.

Theo tài liệu của Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa và các tài liệu lịch sử: Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc của Vương quốc Chămpa, được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ XIII, thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm. Năm 1653, người Việt tiếp nhận khu đền tháp và thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Trải qua thời gian và nhiều biến cố lịch sử, một số công trình không còn tồn tại. Hiện quần thể di tích chỉ còn Tháp cổng, Mandapa (hàng cột gạch bát giác, gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ bao quanh ở phía ngoài), và khu đền tháp, gồm: Tháp Đông Bắc, Tháp Nam, Tháp Đông Nam, Tháp Tây Bắc.
Tháp Đông Bắc (Tháp chính, thờ Nữ Thần Ponagar, người Việt thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na), Tháp Nam (thờ thần Cri Cambhu, người Việt cho là thờ Thái Tử Bắc Hải, chồng bà Thiên Y A Na), Tháp Đông Nam (thờ tượng Linga, biểu tượng của thần Sanhaka, người Việt cho là thờ Cha, Mẹ của bà Thiên Y A Na), Tháp Tây Bắc (phía sau tháp chính, trong tháp không có tượng, chỉ có đế thờ, thờ thần Ganeca, người Việt cho là thờ Công chúa, Hoàng tử con bà Thiên Y A Na). Di tích được xây dựng bằng chất liệu gạch nung; có các linh tượng, phù điêu, hoa văn trang trí, bia ký...tại các tháp, phản ánh những giá trị đặc trưng của văn hóa Chămpa. Tháp Bà Ponagar Nha Trang là di tích duy nhất của đồng bào Chăm từ Quảng Bình đến Bình Thuận có tượng thờ Nữ thần Ponagar.
Tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, được nhân dân từ Quảng Bình đến Bình Thuận tôn thờ tại các di tích, đền, am, tháp, miếu, đình, lăng, và trong đời sống văn hoá tâm linh của cộng đồng cư dân, với trên một nghìn đoàn dân vũ, câu lạc bộ thực hành các nghi lễ tín ngưỡng.
Tại Khánh Hoà, ngoài trung tâm tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na tại Tháp Bà Ponagar, còn có trên 160 đình làng, lăng, miếu, chùa, tháp thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, chưa kể trong cộng đồng và tư gia. Trong đó có khoảng 150 đạo sắc phong của các nhà Vua Việt Nam cho Thánh Mẫu Thiên Y A Na có công che chở, bảo vệ cộng đồng các cư dân ở Khánh Hoà từ thời vua Minh Mạng năm thứ 3 (1822) đến thời Vua Khải Định năm thứ 9 (1909). Hiện toàn tỉnh có trên 160 câu lạc bộ dân vũ thường xuyên thực hành nghi lễ tín ngưỡng vào các ngày Rằm, mồng Một, lễ - Tết, đặc biệt trong những ngày vía Mẫu (vía Bà) hàng năm từ ngày 19/3 – 25/3 Âm lịch tại Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang.
Tại Tháp Bà Ponagar, vào các ngày Rằm, mồng Một hàng tháng, ngày vía Thánh Mẫu (19-25/3 âm lịch hàng năm), việc thực hành nghi lễ tín ngưỡng do Ban nghi lễ cộng đồng nhân dân xóm Bóng thực hiện. Hàng ngày còn có 1 đoàn dân vũ đồng bào Chăm tổ chức các hoạt động dân vũ phục vụ nhân dân và du khách. Vào các buổi tối mùng Một và ngày Rằm hàng tháng, Câu lạc bộ dân vũ tổ chức 2 chương trình thực hành nghi lễ bằng hình thức nghệ thuật bán thực cảnh, theo thứ tự: “Linh thiêng xứ Trầm” và “Trăng soi dáng Tháp”, tái hiện lịch sử truyền thuyết Nữ thần Ponagar, Thánh Mẫu Thiên Y A Na để phục vụ nhân dân và du khách.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang năm 2025 sẽ có các phần lễ chính như sau:
Phần thứ 1: Ngày 16/4/2025, tức 19/3 âm lịch: Lễ rước nước (7h00- 10h00) .
Phần thứ 2: Ngày 17/4/2025 (tức ngày 20/3 Âm lịch): Lễ mộc dục (9h00- 12h00)
Phần thứ 3: Ngày 17/4/2025 (tức ngày 20/3 Âm lịch): Lễ rước kiệu (17h- 19h15), Lễ cầu siêu (18h30- 19h15), Lễ thả hoa đăng (19h30), Lễ khai mạc Lễ hội (19h30- 21h15)
Phần thứ 4: Ngày 18/4/2025 (tức ngày 21/3 Âm lịch): Lễ cầu quốc thái dân an (6h00- 7h30), Lễ dâng hương (7h30- 8h30), Lễ cúng thí thực (11h00- 12h30), Lễ cầu an của cộng đồng người Chăm (19h30- 19h45) .
Phần thứ 5: Ngày 19/4/2025 (tức ngày 22/3 Âm lịch): Lễ cúng giờ Ngọ (10h45- 11h00), Lễ cúng giờ Tý (22h30- 24h00).
Phần thứ 6: Ngày 20/4/2025 (tức ngày 23/3 Âm lịch): Lễ tế cổ truyền (4h00- 6h00), Lễ thứ lễ và Lễ tôn vương (6h00- 8h30).
Phần thứ 7: Ngày 22/4/2025 (tức ngày 25/3 Âm lịch): Lễ cúng tạ (10h30- 11h30).
Trong quá trình diễn ra lễ hội, nhân dân và du khách đến tham dự, tham quan có thể tham gia các hoạt động lễ hội theo hướng dẫn của Ban tổ chức.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang thực sự là điểm đến rất hấp dẫn cho nhân dân , du khách trong nước và quốc tế.
Dưới đây là một số hình ảnh tại khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang:
Trần Minh Ngọc