Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều quyền lợi tối ưu

Bà Lý Hoàng Minh - Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả cho khoảng gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỉ đồng/tháng. Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng) cho thấy, lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng.

Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong 2 năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 01/01/2022. Đối với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995, nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục được điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng). Điều đó càng minh chứng rõ nét chính sách của Nhà nước ta rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng ngày càng được hoàn thiện phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói chung và người nghỉ hưu nói riêng. Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Trước thực trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng: Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;….. Việc đề xuất sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội lần này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra, cũng chính là để đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế để chăm lo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già.

Đặc biệt, bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình). Thực tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y - bởi lứa tuổi này thường dễ gặp các vấn đề bất trắc về sức khỏe. Không những thế trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.

Đóng bảo hiểm xã hội mức cao với thời gian dài sẽ hưởng lương hưu cao

Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

Qua phản ánh của một số địa phương và qua kiểm tra tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tại một số đơn vị sử dụng lao động cho thấy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương bằng mức thấp nhất để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc một số doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: “Do chủ sử dụng lao động cố tình lách Luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (theo quy định, trách nhiệm đóng của chủ sử dụng lao động chiếm 2/3 tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội của người lao động); việc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội để tăng phần chi trả thu nhập cho người lao động, từ đó giúp doanh nghiệp làm tăng cạnh tranh trên thị trường lao động; hoặc bản thân người lao động chưa hiểu biết chính sách pháp luật  đầy đủ, chưa nắm rõ việc đóng bảo hiểm xã hội cao thì mức hưởng bảo hiểm xã hội sẽ cao, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt thiếu quan tâm đến lợi ích lâu dài, chưa có ý thức tiết kiệm, tích lũy thông qua khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội ngay khi còn trẻ…”, bà Lý Hoàng Minh phân tích.

Để giải quyết tình trạng trên, thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về tiền lương, bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ quyền lợi của việc tham gia bảo hiểm xã hội; nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của chủ sử dụng lao động trong việc đóng đúng, đóng đủ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Việt Anh