Trong quý I/2024, Petrosetco ghi nhận doanh thu đạt 4.269,04 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 39,38 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 4,3%, về còn 3,9%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 8,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 15,59 tỷ đồng, về 166,74 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 49,8%, tương ứng giảm 31,75 tỷ đồng, về 32 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 63,8%, tương ứng giảm 56,06 tỷ đồng, về 31,76 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 11,5%, tương ứng tăng 12,41 tỷ đồng, lên 120,5 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý đầu năm mặc dù lợi nhuận gộp, doanh thu tài chính giảm nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ giảm nhẹ, chủ yếu do tiết giảm chi phí tài chính so với cùng kỳ.
Được biết, trong năm 2024, Petrosetco đặt kế hoạch doanh thu 18.540 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 205 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện trong năm 2023.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm với lãi sau thuế 39,38 tỷ đồng, Petrosetco đã hoàn thành 19,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Trái với lợi nhuận giảm nhẹ, dòng tiền kinh doanh trong quý I/2024 lại có dấu hiệu suy giảm và âm kỷ lục. Trong đó, dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm 718,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 444,6 tỷ đồng; dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 6,8 tỷ đồng; và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 601,4 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.
Được biết, theo dữ liệu trên iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2014 đến năm 2023, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh của Petrosetco âm kỷ lục như trong quý I/2024. Trong đó, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2023 với giá trị âm 299,9 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của Petrosetco tăng 10% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 944,9 tỷ đồng, lên 10.424,4 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 3.580 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.232,4 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.048,7 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 36,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 863,4 tỷ đồng, lên 3.232,4 tỷ đồng; tồn kho tăng 7,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 146,3 tỷ đồng, lên 2.048,7 tỷ đồng …
Như vậy, việc tăng tồn kho, đồng thời tăng phải thu ngắn hạn là nguyên nhân chính dẫn tới dòng tiền âm kỷ lục trong quý đầu năm 2024.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý I/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 13,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 601,4 tỷ đồng, lên 5.128,2 tỷ đồng và bằng tới 234,5% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chỉ 2.186,6 tỷ đồng).
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu PET tăng 450 đồng, lên 24.400 đồng/cổ phiếu.
Hà Trần (t/h)