Luật sư phân tích về vụ đánh ghen kinh hoàng tại Thanh Hóa - Hình 1

Vụ đánh ghen, lột đồ, đổ nước mắm, ớt bột lên người tình địch trên phố Cao Thắng, TP. Thanh Hóa

Mới đây, trên nhiều diễn đàn, mạng  xã hội chia sẻ hình ảnh một nhóm phụ nữ đánh ghen, chửi mắng sau đó lao vào túm tóc, tát một cô gái. Chưa hết, nhóm phụ nữ này còn lột đồ, dùng nước mắm đổ lên người của nạn nhân.

Lãnh đạo Công an TP. Thanh Hoá cho hay, sau khi nắm được thông tin liên quan đến vụ đánh ghen gây xôn xao này, phía Công an TP. Thanh Hóa đã yêu cầu Công an phường Lam Sơn lập biên bản vụ việc.

Nhận định về vụ việc trên, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Dùng bạo lực để đánh ghen là hành động sai lầm khiến người đánh ghen 2 lần chịu thiệt. Sau trận đánh ghen như vậy thì việc đổ vỡ hôn nhân là khó tránh, thêm vào đó người đánh ghen có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị xử lý hình sự và sẽ mất nhiều thứ hơn là cách giải quyết mềm dẻo trên cơ sở pháp luật.

Vẫn biết rằng, ghen tuông là chuyện nữ nhi thường tình, nhưng ghen như thế nào cho đúng, cho có hiệu quả và hợp pháp, vừa giữ gìn được hạnh phúc gia đình, vừa buộc kẻ phụ tình phải trả giá mới là cái đáng bàn. Có những hành động đánh ghen khiến hôn nhân tan vỡ, người đi đánh ghen chịu tù tội, con cái bơ vơ, còn người chồng và nhân tình nhân đà đó họ về với nhau… Đây là một kết cục “thiệt hại kép” cho người đánh ghen không đúng cách”.

Luật sư phân tích về vụ đánh ghen kinh hoàng tại Thanh Hóa - Hình 2

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường phân tích dưới góc nhìn pháp lý

Ths. Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Khi cuộc hôn nhân có kẻ thứ ba xen vào thì chứng tỏ cuộc hôn nhân này đang có vấn đề. Người bị tổn thương nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân lý do gì khiến người thứ ba có cơ hội chen vào giữa cuộc hôn nhân đó để khắc phục. Nếu hai vợ chồng không thể ngồi lại với nhau, không thể tự giải quyết được những khúc mắc trong hôn nhân thì nên có sự tác động của bạn bè, người thân trong gia đình hoặc chính quyền địa phương để được khuyên can, đóng góp ý kiến.

Ngoài ra cũng cần cảnh báo cho cả hai người “vụng trộm” đó biết và yêu cầu chấm dứt quan hệ bất chính. Nếu chồng không còn yêu thương, không còn trách nhiệm với vợ con, sa đà vào chuyện bồ bịch, vụ việc đã được bạn bè, gia đình hoặc chính quyền địa phương khuyên can nhưng vẫn không có kết quả thì giải pháp tốt nhất là ly hôn chứ không nên đánh ghen gây mất trật tự xã hội, khiến người đánh ghen chịu nhiều tổn thương và thiệt hại”.

“Dưới góc độ pháp lý, pháp luật chỉ cho phép đối thoại, hòa giải để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong hôn nhân. Tuyệt đối không cho phép đánh ghen (đánh người khác vì ghen tuông), không cho phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, tính mạng, sức khỏe người khác vì ghen tuông, bức xúc. Việc đánh ghen sẽ biến người đúng thành sai.

Người nào cố tình đánh ghen, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác thì tùy vào tính chất mức độ hành vi, tùy thuộc vào hậu quả và nhân thân của người vi phạm thì người vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc hình sự. Vì vậy, trong vụ việc đánh ghen kinh hoàng xảy ra tại Thanh Hóa (đánh đập, lột quần áo, xát ớt bột, đổ nước mắm vào người...) khiến dư luận hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội… Dù người bị hại không có đơn trình báo thì cơ quan công an vẫn có thể vào cuộc xác minh, làm rõ hậu quả đã đến mức nghiêm trọng hay chưa để xử lý người đánh ghen về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Ngoài ra, người bị đánh ghen có quyền gửi đơn đến cơ quan công an để yêu cầu xem xét xử lý những người đánh ghen về hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.

Trong trường hợp nạn nhân có thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k, khoản 1, Điều 134 BLHS thì người đánh ghen sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích.

Trong trường hợp không đủ mức độ thương tích để xử lý về tội cố ý gây thương tích thì vẫn có thể xem xét xử lý đối tượng đánh ghen về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 của bộ luật hình sự”, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm.

Từ những phân tích trên, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Cần lưu ý, đối với tội cố ý gây thương tích và tội làm nhục người khác, cơ quan công an chỉ xem xét giải quyết khi người bị hại có đơn yêu cầu. Nếu vụ việc được khởi tố theo khoản 1 của các tội danh này, người bị hại có đơn, sau đó rút đơn thì vụ án sẽ được đình chỉ giải quyết”.

Mộc Miên