Trong những năm gần đây, thương mại điện tử là một hình thức kinh doanh ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tại Việt Nam. Đây là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong hoạt động thương mại. Tuy nhiên, đây lại là khó khăn, thách thức ủa lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

k
Lực lượng QLTT Thanh Hóa tích cực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử

Bởi chủ thể tham gia thương mại điện tử rất đông, ai cũng có thể kinh doanh trên mạng, rất khó để tìm thấy thông tin người bán, chỉ liên lạc qua điện thoại nên lực lượng chức năng khó tiếp cận để kiểm tra, xử lý; ngay cả khi tiếp cận được thì cũng khó xác minh được chủ nhân thực sự của số hàng đó là ai và ở đâu, bởi không có hóa đơn, chứng từ…

Cùng với đó, các đối tượng kinh doanh thương mại điện tử thường không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Đồng thời, các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn khiến các lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.

Kho hàng trong kinh doanh thương mại điện tử có thể nằm bất kể ở đâu. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua trung gian. Thêm vào đó, các dịch vụ hậu cần chuyển phát, thanh toán rất hiện đại, nên hàng hóa được luân chuyển, vận chuyển trong nội địa rất nhanh. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong công tác trinh sát, nắm địa bàn của công chức Quản lý thị trường.

Song song với đó, nhận thức, kĩ năng nhận biết của người tiêu dùng còn hạn chế, hoặc do nhu cầu, ham giá rẻ nên biết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn mua.

Và hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến thương mại điện tử chưa theo kịp với sự phát triển, diễn biến ngoài thị trường, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Kiến thức, chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử còn nhiều hạn chế...

Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đội QLTT số 9, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp là tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử được quy định tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/8/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng với đó là tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế để hoàn thiện cơ chế, chính sách thích ứng với pháp lý và tập quán về hoạt động thương mại điện tử.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Xây dựng các kế hoạch tuyên truyền theo các chuyên đề để phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; tạo sức lan tỏa sâu, rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Tiếp tục chú trọng nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn; thường xuyên bổ sung kiến thức nghiệp vụ, cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ thông tin, nền tảng công nghệ mới cho lực lượng chức năng đáp ứng yêu cầu. Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Hoài Thu