Hiện nay hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hoá phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí.
Theo quy định chung về hàng giả, hiện có 4 loại hàng giả: Hàng giả chất lượng và công dụng là hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.
Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa hoặc giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá.
Giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng hoá, bao bì hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
Tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả gồm các loại đề can nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá. Hàng giả có thể chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả như trên. Ví dụ vừa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa vừa giả chất lượng.
Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Vật tư, nguyên liệu, linh kiện để sản xuất hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn, không có sự đầu tư về kỹ thuật và công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả.
Người tiêu dùng đang là đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết là thiệt hại về kinh tế. Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người sử dụng vì đó là những hàng hoá không đảm bào chất lượng, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm.
Tại thị xã Nghi Sơn, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu lớn vẫn đang còn tồn tại tuy nhiên theo thông tin từ lực lượng Quản lý thị trường cho biết, quy mô và mức độ vi phạm trên địa bàn khá nhỏ lẻ, đa phần là những hàng giả mạo nhãn hiệu về quần áo, giày dép, phụ tùng xe máy... với số lượng ít, trị giá hàng hóa nhỏ.
Trong tháng 9 năm 2023, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tăng cường kiểm tra đối với các mặt hàng giày dép, qua kiểm tra phát hiện 03 vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu NIKE và adidas. Hàng hóa vi phạm gồm 98 đôi giày NIKE và 55 đôi giày, dép adidas có tổng trị giá 28.960.000 đồng.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 hộ kinh doanh có hành vi vi phạm, phạt tiền 39,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện cũng như tích cực phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu lớn thường xuyên bị giả mạo để kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Hoài Thu