Theo thống kê của Morningstar, trong năm 2023, các quỹ đầu tư bền vững ở khu vực Đông Nam Á đã thu hút được dòng vốn ròng là 325 triệu USD, cao hơn 11,2% so với con số 292 triệu USD của năm 2022.
Nhìn chung, các nhà đầu tư nói chung đang lạc quan hơn về Đông Nam Á một phần do tiềm năng tăng trưởng của khu vực này sẽ cao hơn so với phần còn lại của thế giới.
Theo đó tăng trưởng GDP của ASEAN-6 cụ thể: Singapore,Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Việt Nam, dự kiến sẽ phục hồi từ 4% năm 2023 lên 4,7% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025.
Ngoài ra, khu vực này sẽ được hưởng lợi từ sự kết hợp giữa quy mô dân số lớn, gia tăng tiêu dùng nội địa, đô thị hóa và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, nhiều quỹ tài chính nhận diện nhiều cơ hội đầu tư bền vững liên quan đến chuyển đổi năng lượng, dịch vụ tài chính và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các nước thuộc khu vực này.
Mặc dù các quỹ Đông Nam Á nhìn chung hoạt động tốt hơn vào năm 2023 so với năm 2022, nhưng các quỹ bền vững lại đạt được lợi nhuận trung bình cao hơn. Theo thống kê của Morningstar, các quỹ đầu tư bền vững khu vực Đông Nam Á dành phân bổ 2/3 tài sản vào cổ phiếu, trong khi các tài sản thu nhập cố định chỉ chiếm khoảng 6%.
Các quỹ bền vững ở Đông Nam Á đạt mức lợi nhuận trung bình cả năm là 4,8%, tích cực hơn so với mức lợi nhuận âm 20,4% của năm trước. Trong khi đó, các quỹ truyền thống ghi nhận mức lợi nhuận 3,1% trong cả năm 2023, so với mức âm 12,4% vào năm 2022.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam, xu hướng đầu tư ESG hay đầu tư bền vững đang ngày càng được quan tâm của cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó dự báo, cũng như chi phí vốn ngày càng đắt như hiện nay.
Theo báo Đầu tư, Việt Nam là điểm đến hứa hẹn cho các khoản đầu tư này nhờ môi trường chính trị ổn định, tiềm năng phát triển năng lượng xanh lớn, tốc độ đô thị hoá cao, cũng như gia tăng tầng lớp trung lưu. Mặt khác, các nhà đầu tư Việt Nam cũng đang tìm kiếm các mục tiêu bền vững hơn trong bối cảnh có nhiều biến động.
Tuy nhiên, các thách thức chủ yếu của hoạt động này hiện nay tại Việt Nam bao gồm: Thứ nhất, các doanh nghiệp có mức độ áp dụng thực hành tốt ESG trong hoạt động kinh doanh chưa nhiều, do đó mục tiêu đầu tư còn hạn chế. Thứ hai, nguồn thông tin và dữ liệu về thực hành phát triển bền vững của doanh nghiệp còn hạn chế và chưa đồng bộ, do đó việc tiếp cận và đánh giá còn gặp khó khăn.
Theo Morningstar/báo Đầu tư