Nhiều người bỏ ra hàng tỉ đồng để gom trắc dây, lá trầu, cây cà gai leo… đang điêu đứng vì không biết bán cho ai, hàng trở thành đồ bỏ.

Ngày 16/6, ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, xác nhận tình trạng người dân vào các cánh rừng tại huyện Krông Pa săn lùng, triệt hạ cây trắc gai (còn gọi là trắc dây) để bán sang Trung Quốc (TQ) đã chấm dứt. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là thương lái TQ không còn mua mặt hàng này nên người dân không còn săn tìm, chặt phá loại lâm sản này. Hiện các cánh rừng đã yên ắng trở lại.

Các đầu nậu điêu đứng

Việc thương lái TQ ngưng mua hàng đẩy nhiều người bỏ hàng tỉ đồng thu gom trắc dây điêu đứng vì chẳng biết bán cho ai. Nhiều người biết việc cho rằng các thương lái TQ đang chơi trò giăng bẫy mà những người gom hàng là nạn nhân của trò chơi này.

Đống trắc dây đang giấu tại một gia đình ở xã Chư Căm, huyện Krông Pa (Gia Lai) được đầu nậu mua hàng tỉ đồng, giờ thành củi khô.

Như chúng tôi đã thông tin, liên tục trong mấy tháng gần đây, các cánh rừng tại huyện Krông Pa náo loạn khi mỗi ngày có hàng ngàn người từ nhiều tỉnh đổ xô vào tìm chặt cây trắc gai để bán cho các đầu nậu đưa sang TQ. Trong nhiều tháng liền, giá trắc gai liên tục bị đẩy lên cao: Lúc đầu chỉ 20.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 250.000-300.000 đồng/kg.

Khi xuất hiện tình trạng này, các đầu nậu tại địa phương (chủ yếu là các cơ sở chế biến gỗ trá hình) tranh nhau mua gom trắc gai rồi vận chuyển xuống các tỉnh đồng bằng, bán sang TQ. Để mua gom được nhiều trắc, các đầu nậu ứng tiền trước, cung cấp lương thực cho những người đi rừng, sau đó có xe vào tận rừng sâu để chở trắc ra ngoài.

“Hiện những đầu nậu này đang lâm vào cảnh điêu đứng vì đã bỏ ra hàng tỉ đồng mua trắc dây. Có nhiều người bỏ cả chục tỉ đồng để mua gom, tích trữ trắc dây, cất giấu tại nhiều nơi, giờ có nguy cơ thành rác” - một cán bộ kiểm lâm thông tin.

“Loại trắc này chỉ có giá trị trong thời gian ngắn. Do không bán được nên giờ thành những đống củi khô, thậm chí bán làm củi cũng không ai mua. Những đầu nậu này hám lợi nên mua gom, trữ hàng để bán sang TQ và họ là nạn nhân của trò chơi nâng giá ảo của các thương lái TQ” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai nói.

Gợi lòng tham, kích phá rừng

Tại Bình Định, nhiều đầu nậu cũng đang dở khóc dở cười vì đã bỏ tiền mua gom lá trầu, cây cà gai leo nhưng giờ phải vứt đi. Cách đây hai tháng, lá trầu ở An Lão đang được thương lái mua với giá 45.000-50.000 đồng/kg, cao hơn hàng chục lần so với trước đây. Việc này khiến người dân lặt sạch lá các vườn trầu để bán. Thấy giá cao, nhiều người đổ xô vào rừng chặt hạ cây rừng để hái lá trầu. Tại các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, người dân cũng kéo nhau đi lùng chặt tận gốc cây cà gai leo để bán khi 1 kg cây tươi được mua với giá 7.000 đồng. Với giá tăng cao như thế, nhiều đầu nậu bỏ tiền gom các mặt hàng này để bán lại cho thương lái TQ. Tuy nhiên, sau đó thương lái không mua, các đầu nậu khóc mếu vì bỏ cả đống tiền ra gom hàng.

Nên trách mình không thông minh

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, nói: Khi một số thương nhân TQ đến mua một số loại nông sản với giá cao, ngành nông nghiệp đã đề nghị người dân tỉnh táo, không mắc bẫy của họ. Tuy nhiên, nhiều người thấy mối lợi trước mắt nên tranh nhau đi mua gom các mặt hàng vốn không có giá trị gì nhiều để bán cho các thương lái TQ lấy lời. Sau đó họ thành nạn nhân của trò nâng giá ảo.

Việc các thương lái TQ sử dụng “chiêu” mua các mặt hàng không rõ mục đích sử dụng với giá cao, số lượng lớn đã được các chuyên gia chỉ ra từ lâu nhưng nhiều người hám lợi trở thành nạn nhân. Theo các chuyên gia, sau khi tung tin mua mặt hàng không rõ mục đích sử dụng với giá cao, các thương lái TQ sẽ chơi trò đẩy giá liên tục. Đến lúc nào đó họ tung tin sẽ mua hàng với số lượng rất lớn, giá cao khó tin thì các đầu nậu và người dân quay qua mua gom để bán lại kiếm lời. Lúc này các thương lái TQ sẽ bán lại số hàng mà họ đã thu mua trước đó cho các đầu nậu, thu lợi rồi “lặn”. Đầu nậu, người dân thành nạn nhân của trò chơi nâng giá.

Đã có hàng loạt vụ nâng giá ảo các mặt hàng như ốc bươu vàng, lá khoai lang, đỉa, lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim… nhưng nhiều người vẫn dính bẫy.

Theo Pháp Luật TPHCM