Ngành mía đường đang đứng trước nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân do nạn buôn lậu đường tràn lan, lượng đường tồn kho cao dẫn đến giá sụt giảm, không ít ý kiến băn khoăn, đường rớt giá còn bởi việc thao túng ở khâu phân phối, sự cạnh tranh kém của các DN đường trong nước?


Đường "làm giá” vì trung gian

Thời điểm này, lượng đường tồn đã lên đến 480.000 tấn. Để tồn tại, các DN sản xuất mía đường đã liên tục giảm giá, hiện giá xuất xưởng chỉ còn ở mức 13.000 đồng/kg, giảm khoảng 30%. Thế nhưng, việc giảm giá cũng không “cứu” được ngành mía đường bởi lượng đường nhập lậu trên thị trường ngày một tăng, khiến không ít nhà máy sản xuất đường phải ngừng hoạt động.

Hệ lụy kéo theo là giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân thấp. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá thu mua nguyên liệu đang dừng lại ở 1.250.000 đồng/tấn. Thực tế này, có vẻ đi ngược quy luật cung cầu, khi đường đang rớt giá mạnh nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng (NTD) vẫn cao, ở mức 20.000 đồng/kg từ nhiều tháng qua.

Hầu hết các DN sản xuất đường đều có chung nhận xét, đường đang bị “làm giá” bởi khâu trung gian. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, Tổng giám đốc Casuco cho rằng: Hiện nay khoảng cách giá đường từ nhà máy sản xuất đến tay NTD chênh nhau đến 7.000 đồng/kg. Do nắm được nhu cầu cần xả một lượng đường tồn kho khá lớn từ các nhà máy sản xuất, nên các nhà phân phối đã ép giá, buộc DN phải giảm giá bán. Còn về phía NTD, do đường là mặt hàng thiết yếu nên dù giá cao hay giá thấp họ vẫn phải chấp nhận. Như vậy, chỉ có khâu trung gian được hưởng lợi.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nêu ý kiến: "Cần minh bạch quản lý giá đường. Cân đối sản xuất trong nước, nhập  khẩu và bán lẻ để NTD không bị thiệt”. Ông cho rằng, hệ thống phân phối của Việt Nam vẫn bị thao túng, khiến cho giá cả bị "đẩy” lên vô tội vạ.

Thực tế, các DN kinh doanh đường thường mua thông qua đại lý buôn bán đường. Các đại lý này đẩy giá đường lên khoảng 15%. Sau đó DN đường lại chi mức chiết khấu cao cho cơ sở bán lẻ. Giá đường tăng thêm 15% nữa. Qua 3 khâu trung gian, từ nhà máy đến tay NTD giá đường bị nâng cao một cách vô lý. Hệ thống phân phối vẫn phát triển tự phát với mô hình nhiều tầng nấc đã khiến giá đến tay NTD "ảo”.

Sức cạnh tranh kém

DN sản xuất đường trong nước thì đổ lỗi cho sức ép từ đường lậu nhập về quá nhiều và Nhà nước chưa có biện pháp hỗ trợ DN, một số DN lớn cũng không ủng hộ các DN sản xuất đường trong nước. Một chuyên gia kinh tế cho rằng: Các nhà máy sản xuất đường phải nhìn nhận vào thực tế, chất lượng đường trong nước thấp và giá cả không cạnh tranh đã khiến NTD và DN sản xuất trong nước không mặn mà với đường nội dù đường nội tồn kho cao.

Rõ ràng, dù ngành đường hội nhập hàng chục năm nay nhưng giá thành và chất lượng đường Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Nguyên nhân một phần do quy mô sản xuất nhỏ. Lãnh đạo các nhà máy đường cũng phải thừa nhận họ chưa khai thác hết các sản phẩm phụ quanh đường để có thêm nguồn thu, tiết giảm giá thành, qua đó nâng giá thu mua mía của nông dân.

Ông Long đánh giá: Sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam đến thời điểm này vẫn yếu kém so với các nước trên thế giới. Vì vậy, thời gian tới ngành mía đường phải nhanh chóng nâng cao chất lượng vùng mía nguyên liệu, tăng cường ứng dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao trữ đường… Song song đó, quy hoạch lại đồng mía một cách hợp lý về thời vụ, nâng quy mô sản xuất lớn hơn, ứng dụng cơ giới hóa. Các nhà máy cần đầu tư thiết bị hiện đại, giảm số lượng lao động, tiến tới tự động hóa nhiều khâu nhằm giảm chi phí, tăng hiệu suất… Có vậy mới tạo được sự cạnh tranh với đường nhập khẩu.

Vấn nạn đường lậu không chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây, nhưng trước kia do giá đường nội địa cạnh tranh nên đường lậu bị đánh bật ra. Tuy nhiên, thời điểm này, giá mỗi kg đường lậu thấp hơn 15 – 20% giá đường nội địa. Vì vậy, không chỉ giới tiểu thương săn lùng đường lậu mà ngay cả các DN sản xuất sữa, bánh kẹo, nước giải khát cũng sử dụng đường lậu để có giá rẻ.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty Vinamilk: “Vinamilk mỗi năm cần trên 100.000 tấn đường. Chất lượng sữa liên quan trực tiếp đến sức khoẻ NTD nên công ty cần nguyên liệu đường chất lượng cao, ổn định và giá cả cạnh tranh; nhưng các nhà máy đường nội địa lại không đáp ứng được nên phải nhập khẩu”.

Thanh Hoa