Lợi nhuận chênh lệch giữa thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu cao khiến tình hình buôn lậu mặt hàng này ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp
Lợi nhuận chênh lệch lớn
Theo Tổng Cục quản lý thị trường, hiện nay phương thức vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu theo chiều hướng ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh hơn, tuy không tổ chức thành quy mô, đường dây, nhưng thủ đoạn hoạt động khá phức tạp.
Trên tuyến biển, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình vùng biển, đêm tối để hoạt động. Các đối tượng buôn lậu sử dụng các loại ghe đánh bắt hải sản, tàu chở hàng hóa để cất giấu thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trong các khoang chứa hàng hóa hoặc để lẫn trong các hàng hóa khác.
Trên tuyến Quốc lộ 1A, thuốc lá ngoại được ngụy trang, cất giấu lẫn lộn với nhiều loại hàng hóa khác trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe container... gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Hoạt động này chủ yếu diễn ra tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ninh, Hải Phòng; trong đó, khu vực biên giới Tây Nam là địa bàn trọng điểm về nhập lậu thuốc lá.
Liên quan tới việc buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hiện nay khoảng cách lợi nhuận giữa thuốc lá hợp pháp và buôn lậu ngày càng lớn, tạo lực hút không nhỏ đối với các đối tượng tham gia buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
Theo ông Hùng, năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm thuốc lá tiếp tục tăng từ 70% lên 75% (từ 1/1/2016) và mức đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá tăng từ 1,5% lên 2% (từ 1/5/2019) làm cho giá thành sản phẩm hợp pháp tăng cao.
Đồng quan điểm, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng, lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu, kinh doanh thuốc lá do nước ngoài sản xuất nhập lậu vào Việt Nam rất cao.
Chẳng hạn, thuốc lá nhãn hiệu Hero chênh lệch từ 8.00-1.000 đồng/bao, Jet 1.000-1.200 đồng/bao, trong khi đó, thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế cao (thuế tiêu thụ đặc biệt 75%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%...).
Ngoài ra, ngành sản xuất thuốc lá trong nước đang kinh doanh trong điều kiện môi trường pháp lý nghiêm ngặt như in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50% diện tích mặt ngoài bao thuốc; đóng góp vào Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại dưới mọi hình thức… nên giá thành sản phẩm thuốc lá trong nước cao hơn so với giá thuốc lá các nước trong khu vực.
Ở một khía cạnh khác, ông Cao Trọng Quý, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, thuốc lá điếu là mặt hàng nhà nước hạn chế kinh doanh, với thuế nhập khẩu là 100-135% tùy từng khu vực, thuế tiêu thụ đặc biệt là 75% và thuế VAT là 10%; nhà nước bị thất thu thuế lớn bởi những hoạt động bất hợp pháp này.
Chưa kể, theo ông Quý, hoạt động buôn lậu thuốc lá làm mất việc làm và thu nhập của nông dân sản xuất thuốc lá. Hiện tại, thuốc lá nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% cho sản xuất, còn lại gần 60% phải nhập khẩu với chi phí lên tới hàng tỷ đô la Mỹ.
Tăng cường kiểm soát và tổng hợp nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ mặc dù theo luật sẽ phạt tù tới 15 năm với tội buôn bán, tàng trữ, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên, nhưng buôn lậu thuốc lá vẫn gia tăng, xuất phát từ nhiều lý do.
Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cũng là vấn đề rất đáng quan tâm, vì có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực hiện Nghị định số 106/2017/NĐ - CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét, lấy ý kiến.
Đề xuất các giải pháp hạn chế vấn nạn buôn lậu thuốc lá, Cao Trọng Quý cho rằng, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế cạnh tranh bình đẳng hơn trong hoạt động từ khâu đầu tư nguyên liệu, sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc lá.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN sản xuất thuốc lá trong phạm vi được phép, chủ động trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư trong dài hạn góp phần tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng gu của người tiêu dùng nhằm cạnh tranh, thay thế các sản phẩm thuốc lá nhập lậu.
Còn đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan thì cho rằng, cần nâng cao nhận thức của các các ngành, các cấp, các địa phương về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, cấp bách, lâu dài vì vậy phải kiên trì thực hiện.
Nắm tình hình, điều tra cơ bản, xây dựng các kế hoạch chuyên đề, chuyên án lớn để đấu tranh, đẩy lùi hoạt động buôn lậu thuốc lá tại địa bàn trọng điểm. Kiên quyết xóa bỏ các đường dây, ổ nhóm, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu qua biên giới, các tụ điểm, kho tàng, bến bãi tập kết, cất giấu, buôn bán trong nội địa;
Đầu tư, trang bị phương tiện cho các tỉnh trọng điểm buôn lậu thuốc lá đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, khắc phục ngay tình trạng trang thiết bị lạc hậu, yếu kém không đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ công tác chống buôn lậu, nâng cao hơn nữa chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán thuốc lá nhập.
Ông Nguyễn Triết, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng trong khi sản xuất kinh doanh trong nước được quản lý chặt chẽ bởi các quy định pháp lý nghiêm ngặt, thì việc buôn lậu thuốc lá lại đang diễn biến gia tăng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và xã hội.
Ông Triết cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho phép chuyển việc quản lý Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá về Bộ Tài chính để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích khoảng 50% Quỹ để tăng biên chế, trang thiết bị, phương tiện cho các lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.
H.M