Tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ĐBQH Mai Khanh (Đoàn Ninh Bình) đặt câu hỏi, thời gian qua, các chuyên án đấu tranh với tội phạm đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia cho thấy các đối tượng chuyển số tiền cực lớn qua biên giới. Ở đây bộc lộ sự yếu kém trong quán lý cổng thanh toán quốc gia.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết về trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc kiểm soát, quản lý Cổng thanh toán quốc gia như thế nào, giải pháp quản lý việc này trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động chuyển tiền qua biên giới là thường xuyên, liên tục nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Các giao dịch thương mại, đầu tư số lượng ngày càng lớn, yêu cầu thanh toán hàng ngày càng cao.
Trong tất cả giao dịch thanh toán xuyên biên giới phân ra nhiều loại hình giao dịch, những giao dịch vãng lai, chuyển tiền cho mục đích tiêu dùng thì các tổ chức, cá nhân được tự do thực hiện. Mỗi ngày có nhiều triệu giao dịch. Đối với các tổ chức tín dụng không thể kiểm soát trước giao dịch vì gây ách tắc.
"Quy định pháp luật hiện hành yêu cầu các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm sự chính xác của chứng từ đó. Bởi có những doanh nghiệp có những chứng từ giả mạo, bản thân cán bộ ngân hàng khó xác định được" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Cũng theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, chúng ta đã có quy định về phòng chống rửa tiền, các giao dịch ngoại tệ trên 1.000 USD thì sẽ được đưa vào hệ thống của giao dịch đáng ngờ. Qua phân tích dữ liệu, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, ngân hàng sẽ chuyển cho các cơ quan chức năng điều tra, xác minh.
"Luật hóa" xử lý nợ xấu
Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) gửi đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước câu hỏi về việc rà soát, nghiên cứu để sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan xử lý nợ xấu nhằm luật hóa việc xử lý nợ xấu. Theo lộ trình thì tại kỳ họp đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Quốc hội xem xét.
Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, giải pháp kiểm soát nợ xấu là công tác phòng ngừa rất quan trọng. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát rủi ro để tránh gia tăng nợ xấu, và khi nợ xấu xảy ra thì phải kiên quyết xử lý.
Để trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật này vào kỳ họp đầu tiên năm 2023, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp, đánh giá kinh nghiệm các nước và thực tiễn tại Việt Nam. Trên cơ sở những ưu điểm, tồn tại của Nghị quyết 42, Ngân hàng sẽ tham mưu để Luật hóa vấn đề xử lý nợ xấu. Ngoài ra, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì luật về phòng, chống rửa tiền.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một vấn đề rất khó và cũng đòi hỏi sự đồng thuận rất cao của xã hội. Do đó, bà mong muốn các đại biểu và Quốc hội quan tâm đến nhiệm vụ này của Ngân hàng Nhà nước, vào cuộc từ sớm, từ xa để việc hoàn thiện chính sách, tạo được khuôn khổ pháp lý tốt nhất và đi vào cuộc sống.
Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý ngân hàng thương mại yếu kém
Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 08/06/2022 phê duyệt Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đối với việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 04 ngân hàng thương mại yếu kém. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Lê Pháp (t/h)