Trước đó, vào chiều 08/06 Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu vấn đề là, hiện nay, nhu cầu vay vốn của cá nhân và doanh nghiệp khá cao, nhất là trong bối cảnh đang triển khai gói hỗ trợ 2% của gói 40.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lại trong tình trạng  hết room tín dụng, nhiều ngân hàng cả lớn và nhỏ đều đề xuất với Ngân hàng Nhà nước là nới thêm hạn mức tín dụng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng.

Đại biểu An chất vấn Thống đốc về  tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay? Cơ chế này có phải can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Khả năng nới room tín dụng trong thời gian sắp tới như thế nào?

Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: Đây là một câu hỏi rất hay. Lần đầu tiên Quốc hội chất vấn việc phân bổ về hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Từ trước đến nay chưa có nội dung này. Đây là nội dung mà hầu hết các tổ chức tín dụng hiện giờ đang rất quan tâm. Việc cấp tín dụng bằng room và hạn mức rồi phân bổ hằng năm như vậy có mang tính hành chính hay không? Đảm bảo được sự công khai minh bạch như thế nào? Lộ trình bao giờ chúng ta bỏ được việc này để đuản lý theo rủi ro và theo năng lực của tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phần chất vấn Thống đốc. Ảnh: VGP
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phần chất vấn Thống đốc. Ảnh: VGP.

Lưy ý đây là vấn đề rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thống đốc nghiên cứu kỹ để trả lời thỏa đáng nội dung này.

Trả lời, Thống đốc cho biết đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức là 124% GDP và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Theo Thống đốc, khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì mỗi khi có các cú sốc như Covid-19, như biến động của tình hình kinh tế thế giới mà doanh nghiệp và người dân khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là lập tức sẽ ảnh hưởng luôn đến hệ thống ngân hàng, hệ thống ngân hàng mà mất khả năng chi trả... thì sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Chính vì vậy, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng là được áp dụng từ năm 2011 và Ngân hàng Nhà nước thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong tổ chức điều hành, chính vì vậy mới đưa thị trường tiền tệ tín dụng ổn định trở lại.

"Trước đây, trong thời gian không có kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng này thì các ngân hàng, các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng rất cao, có nhiều năm tăng trưởng tín dụng là trên 30%/năm, cá biệt có những năm tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên đến 53,8%, như vậy sẽ tạo ra cuộc đua lãi suất để huy động được nguồn tiền để cho vay... ", Thống đốc trả lời.

Về cách thức cấp hạn mức, Thống đốc cho biết thường là đầu năm trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát cũng như GDP của Quốc hội, sẽ đưa ra một chỉ tiêu định hướng cho cả năm và chỉ tiêu này có thể sẽ được điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn. Tổ chức tín dụng nào có tình hình lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu An nói cơ chế cấp hạn mức tín dụng còn dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và không phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi mà năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để nới room.

Đại biểu đề nghị Thống đốc nghiên cứu thật kỹ cơ chế này, xem có nên thực hiện tiếp trong thời gian tới nữa hay không.

"Tôi không biết trên thế giới còn đất nước nào làm cách thức như Việt Nam trong việc cấp tín dụng, tức là cấp quota như Việt Nam đang làm hay không?", đại biểu An băn khoăn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP.

\Sáng 09/06, trả lời đại biểu An, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, Việt Nam có đặc thù riêng. Thống đốc dẫn lại thông tin rằng Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam là nước lệ thuộc vốn ngân hàng lớn nhất thế giới. Điều này có nguy cơ rủi ro, nên công cụ cấp hạn mức tín dụng này vừa qua hiệu quả, chặn được các cuộc đua lãi suất, huy động tín dụng cao. Có những năm tín dụng nền kinh tế tăng tới 53,8%.

Trước quan điểm cho rằng, việc cấp hạn mức tín dụng này "chặn" dòng vốn rẻ tới người vay, Thống đốc giải thích, ngân hàng nào khi thành lập đều muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng ở "vai" Ngân hàng Nhà nước phải nhìn ở góc độ điều hành vĩ mô.

"Nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện tại", Thống đốc trình bày.

Đề cập vấn đề trên trong phát phát biểu cuối phiên chất vấn Thống đốc, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu áp dụng thống nhất, tránh chuyện áp đặt trong cơ chế hạn mức tín dụng.

Phát biểu kết thúc phần chất vấn Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội nói, việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xây dựng tiêu chí bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.

H.T (t/h)