Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

"Mùa xuân ai đi hái hoa - Mà em đi nuôi dạy trẻ"...

8 tuổi, tôi đã khoái… xắn quần cao quá đầu gối “xoắn xuýt” với cô bạn tên Khánh, lượn dài ngoài đê, ngoài đồng, bắt cá, bắt tôm, bắt muồm muỗm, mót lúa và chơi chọi… cỏ gà…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh trai tôi, hơn tôi 10 tuổi, mỗi khi nhìn thấy hai đứa tôi – áo quần luộm thuộm nhàu nát, nhem nhuốc từ ngoài đồng về thì bữu môi:

- Hai con ma mút lại đi “moi” được thứ gì nữa đây? Nhìn tụi bay, chẳng ai bảo là hai con nít… gái (?!).

Lúc đó, tôi và Khánh chỉ còn biết hí hí…

Duy có điều này, anh trai tôi, mỗi khi nghe thấy tôi cất giọng hát lí nhí thì toét miệng cười, chế giễu:

- Hát như bé út nhà tôi, sau này ngộ nhỡ chẳng may có làm cô nuôi dạy trẻ thì chẳng hóa ra ông trời đặt… nhầm chỗ?

Tôi bốp lại:

- Anh giai cứ đợi đấy…

Nói là nói vậy thôi, chứ tôi khi đó, con nít vắt mũi chưa sạch, làm sao mà đã biết “nuôi dạy trẻ là “nuôi” gì?”.

Quê tôi, thị trấn Tứ Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), những cánh đồng phù sa màu mỡ, thẳng cảnh cò bay – được bồi đắp bởi con sông Thái Bình. Cá tôm nhiều vô kể. Thú vui của lũ con nít như chúng tôi, suốt ngày chỉ thích phơi nắng ngoài đồng, người ngợm đứa nào đứa nấy cứ đen như củ súng. Kệ!

Một hôm, Khánh bảo tôi:

- Hồng ơi, tớ nghe người nhớn nói có trường “mầm non” mới mở ở xóm Dưới. Thích ghê! Có cả đồ chơi, cô giáo còn trẻ lắm. Cô giáo mặc quần phăng (quần Âu), chứ không phải mặc quần đen (quần lụa) như mấy cô (cỡ tuổi gần bằng mẹ tôi trông giữ trẻ).

Đó là lần đầu tiên, hai đứa chúng tôi nhìn thấy cái “mới” ở lớp mẫu giáo quê mình mà trước đó, chưa từng thấy.

Thế rồi, chúng tôi xà vào lớp mẫu giáo, tự xưng mình là “cô giáo” dạy các em nhỏ. Nhưng mà, thú vị nhất vẫn là “ôm” mấy thứ đồ chơi bằng nhựa (con gà, con vịt, bát đĩa, dụng cụ nấu ăn…), ra ngồi một chỗ làm “chị nấu bếp”… vui tới tận trưa mới về.

Mẹ kể lại:

“Cô giáo Diệp với cô giáo Sợi (nay đều đã ở tuổi 80 tuổi), đã là cô giáo trông giữ trẻ từ mấy chục năm trước; dạy những người còn nhiều tuổi hơn cả anh của con cơ đấy. Gớm, cả con Hồng và con Khánh (đều là con út trong gia đình) hồi mới gửi vào mẫu giáo thì khóc khóc là... Nhất là con Khánh, hờn không ai dỗ nổi. Còn con Hồng, thấy bạn khóc dữ quá thì cũng đồng thanh…”.

Sở dĩ gọi là “trông giữ trẻ” vì thời điểm trước và sau chiến tranh, quê tôi còn nghèo lắm. Các bậc cha mẹ tối ngày vất vả lam lũ ngoài đồng, con cái phải đưa vào nhà trẻ nhờ “bà giáo làng” trông giùm. Đứa lớn thơ thẩn ngoài sân, trong nhà; đứa bé hơn thì bỏ trong cũi; cũi được làm bằng những ống tre mộc sơ sài.

Làm gì có đồ chơi? Làm gì có quạt mát như sau này? Cô và cháu, ai cũng nhễ nhại vì nóng bức, ngột ngạt trong ngôi nhà tranh tre vách đất; trời mưa chịu cảnh dột nát.

Năm tôi vào lớp mẫu giáo lớn, tôi còn nhớ được một vài kỷ niệm và có lẽ nó cũng theo chân – như ăn sâu vào máu thịt tôi cho tới mãi tận bây giờ.

Đó là những lần được cô (bà Diệp) rủ đi coi các anh chị thiếu niên múa hát ở sân kho hợp tác xã. Đêm Tết Trung thu năm đó, cô Diệp còn động viên tôi và bạn Khánh lên hát trước bao nhiêu là người lớn, các anh chị, các bạn cùng trang lứa. Quà Tết Trung thu dẫu chỉ là ít kẹo chứng chim, kẹo nha, những múi bưởi chua, vài đĩa ngô rang… nhưng mà vui ơi là vui.

Chẳng thể nào quên được. Vui nhất là sau khi tôi và bạn Khánh hát xong, thì đồng loạt tiếng vỗ tay vang lên giòn giã…

Ngày anh tôi đi bộ đội, tôi đã lớn hơn một chút. Tôi với bạn Khánh, quần vẫn ống thấp ống cao mê mải ngoài đồng. Bố tôi lo toan việc quân ở mãi tận Hà Nội. Mẹ thì cứ hay vắng nhà vì bận bịu công việc gia đình.

Mãi tới trước ngày anh tôi lên đường nhập ngũ, mẹ mới “triệu tập” được đông đủ họ hàng rồi bà con trong xóm tới chia vui. Chẳng có thứ gì ngoài ấm trà gói đạm bạc mời mọc mọi người, nhưng mà ấm cúng, vui đáo để.

Tối đó, có mặt cả bạn Khánh “quần ống thấp ống cao”, anh tôi trêu đùa: 

- Hôm nay là ngày vui của cả nhà mình. Chắc là mấy đứa em út của tôi – hát hăng đây, chứ không lí nhí đâu nhỉ?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi và Khánh, tự nhiên lúc đó, chẳng đứa nào bảo đứa nào, cùng “hét to” (bài hát): “Hạt gạo làng ta”: 

Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy

Có lời mẹ hát

Ngọt bùi hôm nay...

Hạt gạo làng ta.

Gửi ra tiền tuyến,

Gửi về phương xa.

Em vui em hát,

Hạt vàng làng ta.

Em vui em hát,

Hạt vàng làng ta...”.

Chẳng hiểu sao mà lúc đó, hai đứa con nít chúng tôi lại mạnh bạo đến thế, hát to đến thế!

Có mặt rất đông người lớn, mẹ tôi bảo:

- Hai đứa sau này làm cô giáo dạy trẻ nhé! Còn anh trai thì mặt tỉnh bơ:

- “Hai “thằng” này, lớn lên dễ nuôi… dạy hổ!…

Dẫu đó, mới ngày nào mà đã mấy chục năm qua đi. Tôi còn nhớ như in, buổi sáng tiễn anh trai lên đường, anh tôi kéo hai “thằng” ra phía bờ đê và dặn:

“Anh hay quát hai đứa là cho vui vậy thôi. Chớ có ghét anh đấy nhé! Quát để các em dễ nhớ lâu đấy thôi. Chứ anh cũng mong thôi thì nay mai, không đạt được thứ mơ ước cao sang như anh, chúng bay cứ học rồi về làm cô giáo nuôi dạy trẻ cũng tốt đấy”…

Thực ra, khi đó, hai chúng tôi, đứa 11, đứa lên 10 là tôi, thích “làm cô giáo” chỉ vì muốn thể hiện “làm cô” để điều khiển lũ trẻ nhỏ với mấy thứ đồ chơi mới lạ kia thôi. Chứ đã biết chi chi?

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Tôi vào trường học mầm non, còn Khánh theo nghề buôn bán nhỏ thôn quê.

Thú thực, thời gian đầu, tôi không nghĩ tới nghề nuôi dạy trẻ như sau này. Hồi còn học cấp II (trung học cơ sở) rồi cấp III (trung học phổ thông), tôi có khiếu về môn văn nên mơ ước cao hơn đó là vào trường đại học sư phạm. Nhưng rồi mình cũng toại nguyện bởi “nghề mê người” chứ không phải “người mê nghề”.

Bố tôi khi đó nói với tôi:

- Đúng là bố thấy tính cách của con hợp với nghề dạy trẻ nhỏ hơn là dạy… người lớn!!!

Chẳng biết bố nói có “khớp” với suy nghĩ và mục tiêu theo đuổi về sau của tôi không. Nhưng có lắm khi, ngồi ngẫm lại thì thấy vui vui bởi mình làm theo đúng lời bố nhắn gửi, rồi lại nhớ về câu nói của anh trai mình khi xưa “nuôi dạy hổ” – hóa ra anh trai mình nói đúng. Bởi người đời thường hay có câu nói dí dỏm “nuôi dạy trẻ” thành “nuôi dạy hổ” mà?

Thời gian đầu, theo học trường trung cấp mẫu giáo, được tiếp xúc với môi trường mới, con người mới cũng như mọi trang thiết bị dụng cụ học tập, thực hành – tôi như được “bơi” trong một mê hồn trận. Mọi thứ dường như xa lạ, nhưng trở nên hấp dẫn và cuốn hút tôi.

Nhưng mà, tôi cũng có phần lo lắng. Có lúc, tôi ngồi suy tư nơi giảng đường:

“Vào trường, mới thấy mình chỉ là người “quẩn quanh ao làng”, ra ngoài thấy nhiều người còn có bản lĩnh hơn mình, hát hay hơn mình.

Song tôi lại tự động viên mình:

“Dẫu sao cũng còn hơn ối người. Mình hoạt bát, năng nổ, chứ đâu đến nỗi “ngù ngờ” như đám bạn gái khác ở trong lớp, những người đến từ nhiều miền thôn quê? Thế nên tôi - càng về sau càng thêm tự tin, càng mạnh bạo và gắng học cho tốt để làm “bàn đạp” tiếp nối tương lai.

Học và học! Cọ sát với môi trường xung quanh! Đó không bao giờ là thừa. Nhưng học sao để “hành” cho tốt thì đó lại là cả một quá trình phải miệt mài, tu dưỡng, nhào nặn bằng cả mồ hôi và công sức của mỗi cá nhân trên bước đường sự nghiệp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Năm xưa, chúng tôi vui lây với lớp mẫu giáo mới, chơi trò chơi “cô giáo” với các em nhỏ. Còn nay, đích thực mình làm cô giáo. Mọi thứ, từ “vỡ vạc” ban đầu cho tới những tháng ngày rèn luyện, tu dưỡng bản thân, tu dưỡng nghiệp vụ, được tiếp xúc với các cháu nhỏ, cùng hòa chung niềm vui, tiếng hát, dạy dỗ các cháu nhỏ… càng giúp tôi thêm trưởng thành và vững bước đi bằng đôi chân của mình.

Hãy khoan không nói tới chuyện tình cảm thương yêu, gắn bó giữa cô giáo với đàn em nhỏ ra sao. Chỉ biết rằng, suốt bao năm qua, kể từ ngày trở thành cô giáo, được tiếp xúc với biết bao cháu nhỏ, lớp này lớp khác, tôi nhận ra một điều rằng, trong một thế giới riêng - giữa hàng trăm cháu nhỏ, mình luôn thấy cuộc đời thật vui và hạnh phúc, dẫu có những lúc vất vả gian truân, song làm việc bằng cả nỗi niềm và trách nhiệm của mình.

Niềm vui và hạnh phúc, vất vả và gian  truân luôn đan xen - ấy là cái “nghiệp” của những người có lòng đam mê, tâm huyết với nghề dạy trẻ nhỏ, trong đó có tôi.

Và suốt mấy chục năm qua, gắn bó với Trường Mầm non H (một trường điểm của Thủ đô), tôi đã miệt mài, không ngừng nỗ lực vì đàn cháu nhỏ mà thân thương biết mấy.

Tôi cố gắng trau dồi về mọi mặt vì mái trường thân yêu – nơi tôi đã gần gụi và cống hiến, nơi đầy ắp những kỷ niệm buồn vui dài theo năm tháng…

Ký củaHương Xuân

Bài liên quan

Tin mới

Giá tiêu hôm nay 19/4: Tăng 1.000 - 2.500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 19/4: Tăng 1.000 - 2.500 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay 19/4, giá tiêu tiếp tục tăng 1.000 - 2.500 đồng/kg. Hiện giá tiêu đang quanh mốc 95.000 đồng/kg.

Quyền con người trong các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Quyền con người trong các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về các quyền con người được nêu ra trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giá vàng hôm nay 19/4: Cao nhất 84 triệu đồng/lượng
Giá vàng hôm nay 19/4: Cao nhất 84 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 19/4, giá vàng trong nước vẫn ở mức cao, dao động quanh mốc 84 triệu đồng/lượng. vàng thế giới bất ngờ tăng vọt trở lại.

Tỷ giá USD hôm nay 19/4: Tăng sau một loạt dữ liệu kinh tế
Tỷ giá USD hôm nay 19/4: Tăng sau một loạt dữ liệu kinh tế

Tỷ giá USD hôm nay 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giữ nguyên, ở mức 24.231 đồng. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng 0,21%, đạt mốc 106,16.

Đà Nẵng: Phá đường dây ma túy lớn nhất từ trước đến nay
Đà Nẵng: Phá đường dây ma túy lớn nhất từ trước đến nay

Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 12.000 viên thuốc lắc, được nguỵ trang trong các loại đồ hộp, với tổng trọng lượng 4,5 kg. Đây là số thuốc lắc được thu giữ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố.

Giá cà phê hôm nay 19/4: Tăng cao nhất 5.200 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 19/4: Tăng cao nhất 5.200 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 19/4, giá cà phê trong nước đạt mức tăng kỉ lục, từ 5.000 - 5.200 đồng/kg. Hiện giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 122.100 đồng/kg.