Ảnh minh họa
Tầm quan trọng của việc làm quen biểu tượng Toán
Thế giới đang bước vào thời kì thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt để tiếp thu một nền văn minh phát triển cao, đó là nền văn minh trí tuệ, trong đó con người đứng ở vị trí trung tâm. Trong nền văn minh ấy, trình độ khoa học phát triển cao cùng với sự bùng nổ thông tin, đòi hỏi con người phải có những phẩm chất nhân cách phù hợp, đặc biệt phải tích cực nhận thức để cải tạo thế giới, cải tạo chính mình.
Việc hình thành các biểu tượng toán học cho trẻ mầm non là quá trình giáo dục trẻ thông qua quá trình hình thành các biểu tượng toán. Dạy biểu tượng toán cho trẻ không nhằm đào tạo cho trẻ thành những nhà toán học, mà nhằm phát triển ở trẻ khả năng nhanh nhạy, trí thông minh, sự phán đoán phân tích, so sánh tổng hợp. Giúp trẻ có được những kiến thức sơ đẳng về tập hợp con số, phép đếm, về kích thước, hình dạng, khả năng định hướng không gian và thời gian.
Hiệu quả của việc hình thành các biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non, không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng hệ thống các biểu tượng toán học cần hình thành cho trẻ mà còn phụ thuộc vào phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động làm quen với toán cho trẻ ở trường mầm non. Làm thế nào để cho trẻ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên không bị gò ép phù hợp với sự nhận thức và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở lứa tuổi này là: “Học mà chơi, chơi mà học”.
Thực trạng hoạt động làm quen với toán
Quá trình dạy học áp dụng hình thức dạy học truyền thống, khả năng tích cực, chủ động tư duy của trẻ bị hạn chế. Trẻ thường quan sát giáo viên làm mẫu và sau đó làm theo giáo viên một cách thụ động và thiếu tự lập. Nguyên nhân của thực trạng này là do khả năng hứng thú và tính tích cực của trẻ chưa được phát huy và kết quả trẻ nắm kiến thức còn thấp, một phần do những nguyên nhân như giáo viên chưa tạo ra được môi trường toán học cho trẻ, chưa có nhiều đồ dùng đẹp và mới lạ, hay chưa gây được sự tập trung chú ý tạo hứng thú cho trẻ trong quá trình dạy.
Một môi trường học tập tốt có hiệu quả là môt trường gây hứng thú cho trẻ, phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ. Chính vì vậy giáo viên cần luôn cố gắng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi hấp dẫn trang trí xung quanh lớp, tạo cho trẻ một tâm lý thật thoải mái, coi lớp học như ngôi nhà thân yêu của mình và trong ngôi nhà đó trẻ được tham gia dọn dẹp, trang trí, sáng tạo theo ý mình.
Cùng với đó, không chỉ tạo môi trường toán học cho trẻ ở trong lớp học mà còn cần tạo cho trẻ bất kỳ thời điểm nào có thể. Toán học không phải là thứ cứng nhắc khô khan mà toán học có thể là bất kỳ thứ gì ở xung quanh trẻ.
Việc linh hoạt tích hợp hoạt động làm quen với toán với nhiều môn học khác nhau để gây hứng thú cho trẻ. Trẻ nhỏ không học các khái niệm toán học bằng cách học vẹt hay bằng các quy tắc khô khan cứng nhắc. Trẻ được khuyến khích trong quá trình học, biết tìm kiếm các chuẩn mực. Giải quyết các vấn đề nếu giáo viên chỉ đơn thuần dạy trẻ xác định vị trí trong không gian, nhận biết hình thông thường, hay một số tiết học về số lượng nội dung lại lặp đi lặp lại như thế sẽ rất nhàm chán và đơn điệu, cứng nhắc, sự hứng thú của trẻ sẽ giảm đi, do vậy giáo viên cần có sự linh hoạt thay đổi các hình thức tiết học để trẻ học không nhàm chán.
Trong một tiết học người giáo viên có thể lồng ghép và tích hợp các môn học khác như thế để tận dụng được tối đa đồ dùng đã chuẩn bị, củng cố kiến thức cho trẻ trong quá trình cung cấp kiến thức cho trẻ, mặt khác nên linh hoạt thay đổi hình thức để trẻ khỏi nhàm chán và hứng thú học tập, không nên gò ép trẻ theo một khuôn mẫu nhất định, trẻ cần được học mà chơi, chơi mà học.
Đơn cử như tích hợp với hoạt động làm quen với văn học bằng những câu truyện, bài thơ, bài vè cũng là phương tiện hiệu quả để giúp trẻ hình thành các biểu tượng toán. Giáo viên nên đưa các câu chuyện có yếu tố toán học vào, sau đó đàm thoại cùng trẻ, hoặc sử dụng rối hoặc các hình ảnh minh họa truyện để lồng ghép dạy trẻ học toán.
Hay tích hợp với hoạt động tạo hình bởi các hoạt động tạo hình luôn mang lại cho trẻ sự thích thú. Trẻ được thỏa sức sáng tạo với đôi bàn tay và trí tưởng tượng phong phú của mình. Giáo viên có thể thiết kế một số hoạt động tạo hình qua đó giúp trẻ hình thành các biểu tượng toán.
Cùng với đó là tích hợp với hoạt động thể chất làm quen với toán thường được xem là hoạt động phát triển nhận thức, trong đó chủ yếu hoạt động tĩnh. Song nếu khéo léo lồng ghép các trò chơi vận động sẽ khiến hoạt động làm quen với toán trở nên sinh động và gây hứng thú cho trẻ.
Tích hợp với hoạt động âm nhạc rất quan trọng, nó sẽ giúp mang lại cho trẻ cảm giác thoải mái, thư giãn khi học toán. Giáo viên đàm thoại hoặc có thể tạo ra các trò chơi âm nhạc thú vị vừa để trẻ phát triển tai nghe âm nhạc vừa giúp trẻ hình thành biểu tượng toán.
Song song với đó là tích hợp với hoạt động khám phá khoa học, khi giáo viên có thể lồng ghép các hoạt động khám phá khoa học với toán theo từng chủ đề. Có thể sử dụng lô tô hình ảnh trong chủ đề để dạy trẻ học toán. Trẻ vừa có những hiểu biết về thế giới xung quanh vừa hình thành biểu tượng toán một cách tự nhiên.
Từ những nghiên cứu về lí luận cũng như thực tiễn đã khẳng định được vai trò của việc gây hứng thú cho trẻ trong hoạt động học mà đặc biệt là hoạt động làm quen với toán ở trường mầm non. Trẻ hứng thú trong học tập mới thì mới tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng.
Chính vì vậy tạo hứng thú cho trẻ là một vấn đề quan trọng và rất cần thiết. Điều này không phải là một vấn đề đơn giản mà các nhà giáo dục cần có sự đầu tư, tìm tòi, cần dành thời gian và sự sáng tạo để tạo điều kiện tốt nhất có thể. Nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động phải chính xác và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ, tạo cho trẻ tâm thế thoải mái, tăng hứng thú học tập.
Lê Hòa