Theo kết quả thanh tra việc thực hiện một số nội dung, tiến độ của Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP), thanh tra Bộ Tài chính nhận thấy, dự án được phê duyệt thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020. Nhưng trên thực tế, tiến độ dự án chậm, tất cả các thành phần dự án đều không đảm bảo tiến độ so với thời gian phê duyệt của Văn kiện dự án và Hiệp định tín dụng.
Một buổi hội thảo do RGEP tổ chức thực hiện. (Ảnh: rgep.moet.gov.vn)
Cụ thể, Tổng kinh phí theo Văn kiện dự án là 1.808 tỷ đồng (80 triệu USD tính theo tỷ giá 22.600 đồng/USD), gồm vốn vay WB 1.740,2 tỷ đồng và vốn đối ứng 67,8 tỷ đồng.
Tổng kế hoạch vốn được giao từ năm 2015 đến năm 2019 là hơn 298 tỷ đồng, gồm hơn 261 tỷ đồng vốn vay WB và 36,5 tỷ đồng vốn đối ứng (trong đó năm 2019 là hơn 127 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn được giao là 47% tính gộp qua các năm.
Lũy kế giải ngân từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến tháng 9/2019 (thời gian đã là 4 năm trên tổng thời gian thực hiện dự án là 5 năm) mới chỉ đạt hơn 140 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 7,7% so với tổng kinh phí theo thiết kế dự án, trong đó giải ngân vốn vay đạt 6,42%.
Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội thì bắt đầu từ năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu triển khai chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp1, lớp 6 và lớp 10.
Tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa đảm bảo theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Quyết định số 404/QĐ-TTg, thời gian thực tế kéo dài hơn khoảng 2 năm so với dự kiến.
Việc thực hiện dự án RGEP chậm là nguyên nhân chính dẫn đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13.
Quốc hội phải điều chỉnh lộ trình do việc thực hiện dự án RGEP chậm
Ngoài ra, có 8 nội dung dự án không trực hiện, trong đó có 4 nội dung dự án không thực hiện nữa do trùng dự án khác và 4 nội dung dự án không thực hiện do quá trình triển khai thực hiện thấy không phù hợp.
Về việc này, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đề nghị Giám đốc RGEP rà soát lại các nội dung dự án RGEP được phê duyệt trùng lặp với nội dung dự án khác để báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định phê duyệt điều chỉnh kịp thời giao cho dự án RGEP thực hiện hoặc dự án khác thực hiện các nội dung đó. Tránh sự trùng lặp nội dung trong thực hiện giữa các dự án thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) có tổng vốn 80 triệu USD, trong đó : Vốn vay ưu đãi của WB là 77 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3 triệu USD. Tính theo tỷ giá 22.600 đồng/USD (tại thời điểm phê duyệt dự án), tổng kinh phí theo thiết kế dự án là 1.808 tỷ đồng, gồm: Vốn vay 1.740,2 tỷ đồng, vốn đối ứng 67,8 tỷ đồng.
Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và tạo nguồn chất lực nhân lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự án gồm 4 thành phần: Hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phổ thông (1); Hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa theo chương trình (2); Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và chính sách giáo dục phổ thông (3); Quản lý, giám sát, đánh giá dự án (4).
Đức Thế