Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước của Quốc hội ngày 29/5, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu đoàn Bắc Kạn) đã nêu ra kiến nghị trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay chưa phản ánh đúng với thực tế cuộc sống. Đại biểu cho hay theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Cử tri cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh nhất là mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, mà không nên chờ đến 2 năm nữa, nghĩa là đến năm 2026 mới được thông qua như đề xuất.
Lý do theo đại biểu Thủy, mức giảm trừ 4,4 triệu/người/tháng thực sự không còn phù hợp với thực tế hiện nay nhất là ở thành phố lớn, gây thiệt thòi cho người dân nộp thuế. Mức này duy trì từ năm 2020 nhưng 5 năm vừa qua rất nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng giá, thậm chí có mức giá hàng hóa dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập.
Dẫn chứng từ số liệu Tổng cục Thống kê, đại biểu cho hay so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, lương thực 27%, đặc biệt là giá xăng tăng 105%.
Đại biểu thông tin, nhiều cử tri chia sẻ nếu gia đình có con nhỏ thuê người trông, tiền lương trả cho người trông trẻ không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản chi phí khác.
Trường hợp nếu gia đình có con cái đi học, chi phí học hành chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu. Gia đình có cha mẹ già là người phụ thuộc thì không chỉ chi phí sinh hoạt mà còn chi phí y tế, thuốc men.
Trên cơ sở đó, đại biểu Thủy đánh giá quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa thực sự phản ánh đúng mức chi tiêu gia đình và cá nhân cũng như chưa phản ánh thực tế cuộc sống hiện nay.
"Nếu chờ 2 năm nữa mới thông qua quy định của luật thuế như đề xuất thì nhiều người dân phải trong cảnh thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân”, đại biểu nói.
Đại biểu cũng phân tích về sự bất hợp lý trong rổ hàng hóa CPI. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Tại buổi họp báo thường kỳ mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, bởi biến động CPI chưa đến 20%, nhưng nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý.
Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng, trong khi phải chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng sẽ rất lâu, thậm chí 6 đến 7 năm. Thời gian 6 đến 7 năm là khoảng thời gian quá dài, sẽ không phản ánh kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình, gây thiệt thòi cho người dân.
Cuối cùng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy lo ngại, lương cán bộ công chức, viên chức tăng từ 1/7, nhưng thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh không điều chỉnh kịp thời "gây âu lo cho người lao động, khi thu nhập tính thuế sẽ điều chỉnh theo lương".
Bà kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025.
Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và thuế thu nhập từ cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng.
Thiên Trường (t/h)