Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, các chính sách điều chỉnh tiền lương cần được cải thiện để tạo sự cân bằng giữa thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển và giúp người lao động (NLĐ) được hưởng thành quả công bằng từ tăng năng suất lao động.

Bình quân 3,8 triệu đồng/ tháng

Lương người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ASEAN. Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo “ Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức trong hai ngày 25 và 26-11, tại Hà Nội.

Theo “ Báo cáo cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, mức lương tối thiểu của Việt Nam mặc dù cao hơn so Lào, Campuchia và Myanmar nhưng vẫn thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, mức lương bình quân của Việt Nam ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD) cũng chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và vẫn thấp hơn so nhiều nước trong khu vực, như:Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD), Singapore (3.547 USD).

Tại hội thảo, ông Malte Luebke, chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn Phòng ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư pháp triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động là những yếu tố tạo ra nền tảng cho hoạt động hiệu quả của DN để chuyển đổi sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, mức lương tốt hơn.

Theo báo cáo của ILO, Việt Nam chỉ có khoảng một phần ba số lao động có việc làm được hưởng lương. Tỷ lệ này là khá thấp so mức trung bình thế giới là khoảng 50% Báo cáo của ILO về tiền lương tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động, nhưng tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chỉ chiếm 10% trong tổng số lao động làm công ăn lương của Việt Nam.

Đặc biệt, mặc dù tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở mức chưa đến 10% nhưng riêng đối với ngành nông nghiệp ( ngành có mức lương rất thấp) thì tỷ lệ chênh lệch cao nhất trong các ngành, lên tới 32%. Tuy nhiên, ở hai ngành được trả lương bình quân cao nhất thì lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới một chút.

Thừa nhận thực tế tiền lương đang thu hút sự quan tâm của xã hội, đại diện ILO cho biết những thách thức được đặt ra với Việt Nam hiện nay là: tác động của lương tối thiểu đối với DN, xác định lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, vấn đề thỏa ước lao động… đây là những vấn đề cần được bàn thảo, từng bước xây dựng thành chính sách để đưa vào đời sống thực tế.

Bị ép nhận lương thấp

Theo Thứ trưởng LĐ – TB&XH Phạm Minh Huân, Việt Nam đã trải qua bốn giai đoạn đổi mới chính sách tiền lương, nhưng còn nhiều khó khăn. Đến quý II – 2014, cả nước có 53,7 triệu người nhưng chỉ 48% qua đào tạo; năng suất lao động thấp hơn hầu hết các nước trong ASEAN. Hiện nay, cả nước có khoảng 400.000 DN, tạo việc làm cho hơn 10 triệu người, nhưng 95% số DN có quy mô nhỏ và vừa. Phần lớn DN gia công hàng hóa, năng suất lao động thấp, giá trị gia tăng thấp. “ Do năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của NLĐ hạn chế, nên họ có xu hướng bị chủ DN ép buộc nhận lương thấp”, ông Huân nói.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc thực hiện các thỏa ước lao động tập thể ở DN còn ít, chất lượng thấp, chủ yếu sao chép quy định pháp luật, ít đề cập tiền lương. “ Chúng tôi thử khảo sát thỏa ước lao động tập thể ở 10 DN gỗ tại Bình Dương. Kết quả cho thấy, tại sáu DN có tới 10 nội dung trong thỏa ước lao động trái pháp luật”, Ông Quảng nói.

Tại hội thảo, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nên xem xét mức lương tối thiểu bảo đảm lợi ích hơn cho NLĐtrong bối cảnh giá cả tăng và trượt giá như hiện nay. Tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã từng áp dụng cách tăng lương tối thiểu lên 70%-100% so hiện hành để bảo đảm bảo mức sống cho NLĐ.

Thực tế, lương tối thiểu chỉ bảo đảm mức sống thấp nhất cho NLĐ. Tuy nhiên, nhiều DN cố tình dùng bậc lương tối thiểu làm mức chuẩn trả cho NLĐ. Để khắc phục được lao động tập thể giữa NLĐ và chủ DN. Bên cạnh đó, Nhà nước tôn trọng và tăng cường nguyên tắc thỏa thuận, thương lượng về tiền lương giữa DN và NLĐ. Các căn cứ tính toán và quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực sản xuất, kinh doanh phải dưạ trên sự phát triển của nền kinh tế và thị trường lao động mỗi giai đoạn. Nên chăng, để giải quyết mâu thuẫn lợi ích của các bên liên quan trong quan hệ lao động, cần phải tăng cường vai trò của các bên trung lập, hoàn thiện chế ba bên để thu hẹp khoảng cách, đưa hai bên xích lại gần nhau.

Còn theo bà Nicola Connolly, Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham), hiện nay, đang có khoảng 65% số lao động Việt Nam rơi vào bẫy kỹ năng ( thiếu kỹ năng thực tế), nên năng suất lao động thấp. Do đó, Việt Nam cần nâng cao chương trình giáo dục,  đưa việc rèn kỹ năng thực tế, sử dụng máy móc vào nhà trường…

Theo Thời Nay