Vẫn còn hàng hoá không tem nhãn phụ Tiếng Việt
Phải nói rằng, năm 2022, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã trực tiếp khảo sát treen facebook, website và “mục sở thị” một số cửa hàng mỹ phẩm trực thuộc hệ thống mỹ phẩm Mint Cosmetics.
Khi đó, PV nhận thấy có rất nhiều sản phẩm chỉ toàn tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, khiến người tiêu dùng không biết sản phẩm này có công dụng ra sao, đối tượng sử dụng là ai, sản xuất tại đâu, nhập khẩu bởi công ty nào, thành phần sản phẩm ra sao… Điều này khiến khách hàng rất “mất công” trong việc tìm hiểu sản phẩm, xem sản phẩm nào cũng phải “hỏi” nhân viên. Mặt khác, còn vi phạm quy định về nhãn hàng hoá tại Việt Nam.
Trước đó, Mint Cosmetics có trang facebook https://www.facebook.com/mint07.myphamxachtay với hơn 921.000 người theo dõi và trang web https://mint07.com, tuy nhiên hiện nay, trang facebook có đuôi “mỹ phẩm xách tay” đã không còn tồn tại, mà thay thế bằng một trang facebook mới là https://www.facebook.com/mint07.myphamchinhhang có đuôi là “mỹ phẩm chính hãng” với 911.000 lượt thích, 938.000 người theo dõi.
Sau hai năm, những ngày đầu tháng 7/2024, PV đã quay trở lại “mục sở thị” tại hệ thống cửa hàng mỹ phẩm Mint Cosmetics như tại số 23 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân Hà Nội và 72 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Qua ghi nhận, PV nhận thấy tại đây đã bổ sung rất nhiều tem nhãn phụ Tiếng Việt đối với các sản phẩm nước ngoài, đảm bảo thông tin rõ ràng về nơi sản xuất, công ty nhập khẩu, phân phối, cách sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… đến người dùng và tuân thủ quy định và pháp luật về nhãn hàng hoá.
Các sản phẩm bày bán đa dạng như đồ dưỡng da, chăm sóc da toàn thân, chăm sóc tóc, đồ trang điểm… của nhiều thương hiệu mỹ phẩm đình đàm trên thế giới như Avène, Alpha Skincare, Balance, Banana Boat, Calliderm, Clio, DHC, Dr.Ci Labo, Eglips, Eucerin, Fancl, Foreo, Gucci, Givenchy, Hada Labo, Hera, Innisfree, Jowae, Kanebo, Keana, Kracie, La Roche-Posay, MAC, Nars, Obagi, Vichy….
Tuy nhiên, vẫn còn đó một số mặt hàng toàn chữ nước ngoài mà không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định.
Một số sản phẩm được khuyến mãi bốc thăm trúng thưởng dành cho khách hàng trong chương trình sinh nhật của Mint Cosmetics cũng “trắng trơn” tem nhãn Tiếng Việt.
Trong khi đó, quy định phát luật rất rõ ràng. theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Không xuất hoá đơn VAT cho khách hàng
Theo thông tin quảng cáo trên facebook, hệ thống mỹ phẩm Mint Cosmetics của Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mỹ phẩm Hoàng Lê Vũ, mã số thuế 0108725509, địa chỉ tại Số 5, ngõ 55 phố Huỳnh Thúc Kháng; , Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Người đại diện là Lê Tuấn Linh, sinh năm 1991, ngày hoạt động là 6/5/2019.
Theo quy định tại Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC và Điều 3, Thông tư 39/2014/TT-BTC, người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ sử dụng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu hoặc hàng hóa, dịch vụ để cho, biếu tặng. Theo khoản 1, Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC, bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên thì bắt buộc phải xuất hoá đơn dù khách hàng không lấy hoá đơn, thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hóa đơn chứng từ, trong mọi trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khi có phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là phải xuất hóa đơn, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ và giá bán hàng hóa đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Khoản 4, Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 5, Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC quy định: - Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.
Thế nhưng, theo thông tin hoá đơn mà Mint Cosmetics xuất ra yêu cầu khách hàng thanh toán, thì đây chỉ là hoá đơn bán hàng lẻ, không có thông tin về việc xuất hoá đơn giá trị gia tăng VAT. Với những hoá đơn trên 200.000 đồng, nhân viên tại đây cũng không chủ động liên hệ với khách hỏi về nhu cầu xuất hoá đơn giá trị gia tăng theo quy định pháp luật.
Hơn nữa, việc thanh toán của khách hàng cũng là chuyển khoản tiền đến tài khoản ngân hàng cá nhân mang tên Lê Tuấn Linh – Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, chứ không tới tài khoản của Công ty.
Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc sử dụng tài khoản cá nhân để giao dịch nhằm kê khai doanh thu bán hàng thấp hơn thực tế và không kê khai thuế. Ví dụ như trường hợp của ông Trần Văn Sơn (sinh năm 1984, trú phường Phước Hải, TP. Nha Trang) đã trốn thuế cho Công ty TNHH SM NONI Nha Trang hơn 6,15 tỷ đồng bằng hình thức dùng máy POS để thu tiền bán hàng của công ty, chuyển về tài khoản cá nhân; không xuất hóa đơn giá trị gia tăng nhằm giấu doanh thu thực tế của công ty, giảm số tiền thuế phải nộp. Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Sơn 3 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế.
Theo tìm hiểu, trước đó, ngày 04/06/2020 Đoàn kiểm tra đội QLTT số 13 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh có biển hiệu Mint Cosmetics – Địa chỉ: Số 106 D6, ngõ 215 Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra: cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Cơ sở kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo đúng quy định, có hóa đơn chứng từ kèm theo. Đội QLTT số 13 đã lập Biên bản vi phạm hành chính về những hành vi vi phạm hành chính với tổng tiền phạt là 12 triệu đồng thời buộc đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định; tiêu hủy hàng hóa nhập lậu (119 sản phẩm mỹ phẩm các loại đã nêu).
Thu Trang