THCL Mỹ vừa cáo buộc Nga bí mật triển khai hai tiểu đoàn tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, điều này đã vi phạm Hiệp ước Tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987.

Mỹ phản đối khi Nga tái xuất “Thần chết” Kalibr - Hình 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga

Theo New York Times, các quan chức Mỹ cho rằng Nga đã triển khai hai tiểu đoàn tên lửa hành trình SSC-8, theo cách gọi của Nga là 9M729, tại khu vực Kapustin Yar.

Tên lửa hành trình mới này có thể là cùng một gia đình vũ khí với tên lửa hành trình trên biển Kalibr-NK. “Tôi nghĩ Kalibr và 9M729 đều thuộc cùng một gia đình”, ông Jeffrey Lewis, Giám đốc chương trình cấm phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Trung tâm nghiên cứu cấm phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey cho hay. “Klub về cơ bản là một phiên bản tên lửa Kalibr được giảm tầm bắn, giống như R-500 là tên lửa 9M729 được hạ tầm bắn. Nhưng Kalibr và 9M729 đều rất giống nhau, như Klub và R-500 đều tương tự nhau”, ông Lewis nói.

Sự biến mới này diễn ra sau một động thái phát triển hạt nhân khác của Nga, đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh. Nhưng trong khi tên lửa RS-26 về mặt kỹ thuật là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tầm bắn của nó lại không thuộc loại này. Thực tế, theo ông Lewis lý giải, tên lửa RS-26 là một sự thay thế trực tiếp cho loại tên lửa RDS-10 Pioneer, được NATO định danh là SS-20 Saber- cũng bị cấm theo Hiệp ước INF. “Đó là tên lửa RS-26, bản sao của SS-20”, ông Lewis khẳng định.

Mỹ phản đối khi Nga tái xuất “Thần chết” Kalibr - Hình 2

Chiến hạm Nga phóng tên lửa Kalibr tấn công mục tiêu khủng bố tại Syria

National Interest nhận định các mô hình cũ của Liên Xô đang trở lại ở Nga. Điều đó nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng lại thúc đẩy phát triển nhờ sự trợ giúp từ phía quân đội và sự cho phép của các lãnh đạo chính trị. Do đó người ta chứng kiến Nga phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng mới, khôi phục “đoàn tàu tử thần” và chế tạo tàu ngầm hạt nhân không người lái dưới nước đáng sợ.

Quân đội Nga và Liên Xô trước đây chỉ miễn cưỡng chấp nhận Hiệp ước INF vào lúc kết thúc thời kỳ thù địch Chiến tranh lạnh. Hiện nay, quân đội Nga lại khôi phục lại lực lượng hạt nhân thời kỳ hậu Gorbachev. “Quân đội Nga luôn ghét hiệp ước INF. Và nếu không có Gorbachev hoặc Yeltsin kêu gọi họ thực hiện, giờ đây họ đã đi con đường của riêng mình. Họ có lẽ tin rằng Mỹ đang vi phạm hiệp ước một cách nghiêm trọng và họ cần phải siết chặt Mỹ trước khi Mỹ siết họ. Đây là phong cách rất Liên Xô”, chuyên gia Lewis nhận xét.

Theo National Interest, Nga chắc chắn sẽ tuyên bố Mỹ đã xâm phạm hiệp ước INF trước với các điểm phòng thủ tên lửa Aegis, sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41. Mk-41 có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk, và điều này có thể bị coi là vi phạm hiệp ước.

Tên lửa Tomahawk được chấp nhận vì đó là tên lửa hành trình phóng trên biển. Nhưng nếu Mỹ chuyển Mk-41 lên mặt đất sẽ thành vấn đề và bị Nga coi là vị phạm hiệp ước.

Mỹ đã cho phép Mátxcơva thanh sát các địa điểm đặt Mk-41 để xác nhận liệu chúng có chứa Tomahawk hay không, tuy nhiên Nga đã từ chối.

Nga không thể coi thông tin truyền thông Mỹ về việc Nga vi phạm Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn là nghiêm túc. Tất cả các thông tin như vậy là vô căn cứ. Giới chính thức Washington vẫn chưa cung cấp bằng chứng, giám đốc của Cục không phổ biến và kiểm soát vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov cho biết.

Hiệp ước INF cấm Mỹ và Nga có tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên đất liền với phạm vi từ 500-5500 km. Washington và Mátxcơva cáo buộc lẫn nhau các vi phạm mà tài liệu này ghi nhận được vào năm 1987.

Đặng Phương Thảo - VietTimes