Phạm vi và thiệt hại của đại dịch Covid-19 đã lan ra toàn cầu nhưng dường như hợp tác quốc tế lại không được như vậy. Bất luận tốt xấu ra sao, chính phủ các nước có vẻ chỉ đang tìm cách tự bảo vệ chính mình.

Hơn nữa, sự thiếu vắng của một mối quan hệ hợp tác trên phạm vi toàn cầu không chỉ đơn giản là một sơ suất nhỏ, mà đó là hậu quả của cuộc đối chọi giữa hai siêu cường Mỹ-Trung và thói quen đổ lỗi.

Theo South China Morning Post (SCMP), mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế đã gia tăng trong vài năm qua và được biết đến với cái tên "bẫy Thucydides", tức cuộc đối đầu giữa các cường quốc lâu năm và một thế lực mới đang lên.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ thường xuyên vắng mặt nhưng vẫn khẳng định vị thế số 1 của mình. Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc đã và đang mở rộng vòng tay thì các nước khác vẫn còn ngần ngại về những hỗ trợ có điều kiện của Bắc Kinh.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng đại dịch Covid-19 đã gia tăng mức độ cạnh tranh và thổi bùng hơn nữa mối quan hệ căng thẳng giữa các cường quốc.

Câu hỏi đặt ra là, các nước khác có thể làm gì? Đáp án hiện tại không nhiều, thậm chí triển vọng của một mối quan hệ hợp tác toàn cầu cũng không khả quan.

Dù vậy, vẫn còn một câu hỏi khác: Liệu có bất kỳ điều tốt đẹp nào nảy sinh từ những nỗ lực của các nước thứ ba hay không?

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nước còn lại cũng chiếm đến 60% GDP toàn cầu. Cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 đòi hỏi phải có sự phối hợp của chính phủ các nước, do đó có không ít lĩnh vực mà hợp tác quốc tế đôi bên cùng có lợi có thể tạo ra quả ngọt.

Niềm tin và hợp tác thương mại là thứ cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters)Niềm tin và hợp tác thương mại là thứ cần thiết để chống lại cuộc khủng hoảng Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters)

Thương mại và niềm tin

Dưới tác động của đại dịch, thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về khối lượng và giá trị chung, đặc biệt là đối với nguồn cung thiết bị y tế và thực phẩm. Khi dịch bệnh mới lây lan, rõ ràng chính phủ nhiều nước cảm thấy hoảng loạn và từ đó ban bố "tình trạng khẩn cấp" cũng như thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ đi kèm.

SCMP nhận định các nước cần phải đảm bảo sao cho chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại tại châu Á trở nên bền vững hơn.

Ngoại trưởng Trung Quốc cảm kích trước sự hỗ trợ của ASEAN trong dịch virus corona: 'Không thấy sự lạnh giá của mùa đông, còn mùa xuân thì như đang bừng tỉnh'

Các nước xuất khẩu tại châu Á có lý do chính đáng khi lo ngại về tình trạng khan hiếm hàng hóa, tuy nhiên có nhiều cách để đáp ứng đúng nhu cầu cũng như trấn an đối tác và các nước láng giềng rằng ngoài những lo ngại đó, hoạt động thương mại sẽ vẫn tiếp diễn.

Chiến lược tái lập hoạt động thương mại xuyên biên giới nói trên nên được áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, các nước nên xem xét phương án mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài, đặc biệt là các doanh nhân ngoại quốc khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và hoạt động thương mại khởi động lại.

Ngay từ trước khi phong tỏa, Singapore và New Zealand đã ban hành một tuyên bố chung, khẳng định chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục thông qua hệ thống cảng biển và đường hàng không.

7 nước khác đã cam kết ủng hộ sáng kiến đa phương nêu trên. Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia, Anh, New Zealand và Singapore cũng quyết tâm "dẫn dắt thế giới khôi phục và tăng cường hoạt động thương mại toàn cầu".

Mặc dù phải mất một thời gian trước khi 7 nước trên chốt thỏa thuận cuối cùng, các chính phủ mang cùng chí hướng có thể hành động cùng nhau.

Niềm tin là thứ cần thiết và có thể được tạo lập khi các nước sở hữu hệ thống quản trị, lập pháp và chiến lược về vấn đề kinh tế cũng như y tế tương tự nhau.

Các tổ chức lớn hơn ở châu Á có thể cùng góp sức. Các Bộ trưởng Bộ thương mại của APEC đã ban hành một tuyên bố chung, chính thức kêu gọi duy trì dòng chảy thương mại. APEC nhận định chính phủ các nước có thể ban bố nhiều biện pháp khẩn cấp trong khủng hoảng nhưng nên "định hướng rõ ràng, phù hợp, minh bạch và chỉ mang tính tạm thời".

Dù vậy, SCMP cho biết APEC nói chung sẽ gặp không ít khó khăn trên con đường thực hiện tuyên bố đó khi mà các cuộc hội nghị trong vài năm trở lại đây của tổ chức đều bị khóa chặt trong mối quan hệ đối nghịch giữa Washington và Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã đạt được một bước tiến lớn với hội nghị thượng đỉnh Covid-19 hồi đầu năm nay. Mặc dù không nhiều chuyên gia tin tưởng ASEAN có thể đẩy nhanh sáng kiến mới, các nước Đông Nam Á vẫn góp phần mang lời cam kết hỗ trợ của Trung Quốc vào một thỏa thuận "+3" qui mô lớn hơn cùng Nhật Bản và Hàn Quốc.

ASEAN còn hợp tác cùng Mỹ dù giữ khoảng cách ít nhiều với những lời chỉ trích nặng nề mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dành cho Trung Quốc.

Nhìn chung, bất luận căng thẳng đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu như thế nào, các nước vẫn có thể bắt đầu từ những hạt giống nhỏ, từ đó ươm hạt thành mầm xanh, SCMP viết.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng