Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được biết đến với địa hình núi đá, tuy nhiên nơi đây lại được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu thời tiết vô cùng thuận lợi điều này tạo điều kiện cho na Chi Lăng phát triển.
Na Chi Lăng lần đầu xuất hiện từ những năm 1980 trên vách núi đá Cai Kinh. Khi đó, giống na được người dân mang từ huyện Hoài Đức, Hà Nội về. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn nên núi đá vôi là địa điểm lý tưởng nhất để trồng na lúc bấy giờ. Có lẽ những người trồng na đầu tiên ở Chi Lăng cũng không thể ngờ rằng đây chính là mảnh đất màu mỡ cho những trái na phát triển.
Vùng sản xuất Na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Từ năm 2014, huyện Chi Lăng bắt đầu áp dụng sản xuất na đạt tiêu chuẩn VietGAP; và đến năm 2017 áp dụng theo bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 vào sản xuất na. Năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na trái vụ), doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha.
Việc liên kết tạo thành vùng sản xuất không chỉ giúp người trồng na đứng vững trước giá cả thị trường mà còn giúp họ cải thiện từng chi tiết trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng trọt. 27 hộ dân trồng na theo chuẩn VietGAP tại đây đều có chất lượng đồng đều, có chứng nhận của các cơ quan thẩm quyền.
Na Chi Lăng được chia thành hai loại là na dai và na bở. Quả na dai có vỏ mềm, màu xanh, thịt trắng lại ít hạt. Loại na này có ưu điểm là ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ, khi ăn có cảm giác các múi cũng dai hơn. Trong khi đó, na bở thường mềm, dễ vỡ, nát, nhiều hạt và cũng không ngọt thơm như na dai.
Na Chi Lăng có hương vị và đặc điểm khác biệt so với những giống na ở vùng khác. Đối với na Chi Lăng, quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống. Đó là na chín cây, ăn ngọt và thơm. Ngoài ra, vỏ na có màu xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, vị ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Những quả na Chi Lăng chín tự nhiên không ngâm thuốc có mùi thơm dịu, vị ngọt thanh. Trong khi đó, na ngâm hóa chất để chín ép rất nhạt, ăn bị sượng và không có mùi vị đặc trưng của na. Màu sắc của na chứa hóa chất cũng không tự nhiên, quả nào cũng đều tăm tắp, không có vết nứt, cuống bị gẫy, vỏ khó bóc.
Không phải tự nhiên mà na Chi Lăng lại trở thành sản phẩm nổi tiếng, đặc biệt. Na Chi Lăng được trồng chủ yếu trên vách núi đá cao nên người dân nơi đây đã chế tạo ra những chiếc ròng rọc để thu hoạch na từ trên đỉnh núi xuống. Chiếc ròng rọc này chạy từ trên cao xuống chân núi. Dây cáp để chuyển na xuống núi là 2 đoạn dây chắc chắn song song móc vào vành chiếc xe đạp. Cứ 2 sọt na được đu xuống thì 2 sọt rỗng lại được ròng rọc đưa lên.
Tháng 8 hàng năm - thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng. Trong thời điểm thị trường ổn định, na Chi Lăng được bán với giá từ 35.000 đồng đến 120.000 đồng/ kg. Trong đó, loại nhỏ được bán với giá 35.000 đồng - 50.000 đồng/ kg; loại nhỡ: 55.000 đồng - 60.000 đồng/ kg; loại to: 85.000 đồng - 120.000 đồng/ kg.
Giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng
Năm 2011, quả na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng” cho sản phẩm na quả của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản “Na Chi Lăng” của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, thương hiệu na Chi Lăng đã được Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh, trao giải thưởng cúp vàng và chứng nhận đạt Top 10 Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2018, 2019.
Hiện nay, thương hiệu Na Chi Lăng đã được thị trường trong nước biết đến, được phân phối trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn, với xu hướng ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi những đặc tính, ưu điểm riêng biệt.
Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức điểm kết nối giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ na Chi Lăng tại thành phố Hà Nội. Hiện nay, na Chi Lăng có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước.
Trung Quốc cũng là một thị trường tiềm năng của na Chi Lăng nhưng đang qua đường tiểu ngạch. Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung mong muốn thúc đẩy mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...
Những năm gần đây, trước những biến chuyển mạnh mẽ của thời kỳ công nghệ 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số những người nông dân trong huyện đã bắt kịp xu thế công nghệ trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đã có nhiều gian hàng nông sản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok, sàn thương mại điện tử Vỏ sò (voso.vn), postmart.vn...
Để quảng bá, tuyên truyền và nâng cao giá trị sản phẩm Na Chi Lăng, năm 2023, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chuỗi chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu Na Chi Lăng bao gồm: Tổ chức chương trình “Quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng” vào ngày 19/8, tại chợ Nông sản, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng; tổ chức livestream trực tuyến bán na, đấu giá na để gây quỹ xây dựng công trình an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện tổ chức Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản Lạng Sơn năm 2023 (từ ngày 24/8 - 27/8/2023), tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (địa chỉ số 489 đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó, huyện Chi Lăng có 6 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản của huyện.
Đây là các hoạt động nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm na Chi Lăng và các sản phẩm nông nghiệp đã được cấp nhãn hiệu sản phẩm thông qua các chương trình phát động thi đua sản xuất sản phẩm an toàn, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo ra sức lan tỏa rộng khắp trong nhận thức của người nông dân sản xuất nông nghiệp. Đổi mới phương thức kết nối tiêu thụ nông, đặc sản và sản phẩm OCOP của địa phương.
Hà Trần