Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Thường trực đưa ra tại Hội thảo triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, diễn ra hôm 05/04 tại tỉnh Sóc Trăng.

Chương trình MTQG có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vốn chiếm 14,7% dân số cả nước, trên 7% dân số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một quyết sách mang tính lịch sử, cách mạng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chương trình được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong giai đoạn vừa qua, bố trí nguồn lực đủ mạnh, tập trung đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy thế mạnh và nội lực của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ảnh minh họa internet
Năm 2022 giao kế hoạch vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số hơn 14.400 tỷ đồng. Ảnh minh họa internet.

Với số vốn 137.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, Chương trình tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất cho những địa bàn khó khăn nhất, của những dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đáp ứng mong mỏi của nhân dân cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công tác dân tộc và chính sách dân tộc cũng như những khó khăn, thách thức trong việc phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Dân tộc tổng hợp, nghiên cứu tất cả ý kiến, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để có định hướng, chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực nhằm triển khai Chương trình hiệu quả.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp tốt với nhau hơn nữa, quyết tâm hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị để có thể triển khai thực hiện Chương trình ngay trong tháng Tư này.

Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện và ban hành Nghị định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong tuần đầu tháng 04/2022.

Các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, bám sát và đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các Chương trình, bảo đảm có những kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào.

Với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, bám sát thực tiễn, các cấp ủy chính quyền địa phương phát huy chủ động, sáng tạo, chỉ đạo tổ chức triển khai lồng ghép các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các chương trình mục tiêu quốc gia khác và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 - 2023.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Chương trình được phân cấp, phân quyền đến tất cả 53 tỉnh, thành có đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy các địa phương phải nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo để tổ chức thực hiện cùng lúc cả ba Chương trình MTQG.

Dự kiến năm 2022 sẽ giao kế hoạch vốn cho Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 14.400 tỷ đồng (gồm 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp) và từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 8 tháng. Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất để tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao, đặc biệt lưu tâm tới các giải pháp lồng ghép về nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, đề án khác để thực hiện nội dung có cùng mục tiêu trên cùng một địa bàn bảo đảm tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực.

Q.N (t/h)