Bài viết khẳng định bốn rủi ro lớn ở tầm vĩ mô đối với kinh tế Châu Á gồm: Dịch Covid-19 tái bùng phát; lãi suất tăng ở Mỹ; tăng trưởng chậm hơn dự báo của Trung Quốc và tình trạng căng thẳng gia tăng đối với vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
Một trong những thách thức khi xem xét triển vọng ngắn hạn của Châu Á là các xu hướng đang định hình tương lai kinh tế, tài chính và chính trị của châu lục này thường là những vấn đề kéo dài nhiều thập kỷ. Các xu hướng này vẫn tiếp diễn và thường khiến người ta sai lầm khi cho rằng các xu hướng trong 12 tháng tới sẽ khác hẳn về chất so với các xu hướng tiêu biểu đã tồn tại trong những năm gần đây.
Do vậy, cho dù năm 2022 có thể chứng kiến những giai đoạn biến động và bất định gia tăng nhưng sẽ không chứng kiến những thay đổi lớn đối với quỹ đạo hiện tại.
Theo tác giả William Bratton, có thể giả định rằng dịch bệnh sẽ lắng dịu trong năm 2022 cho dù các nước trong khu vực có cách bình thường hóa khác nhau và biến thể Omicron đang tạo ra làn sóng lây nhiễm ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù các biến thể mới có thể làm chậm nỗ lực bình thường hóa và thậm chí dẫn đến một năm “mất mát” khác đối với các quốc gia nhất định, nhưng giờ đây, dường như có sự đồng thuận rằng các biện pháp hạn chế đi lại cứng rắn trước đó đã không còn bền vững do chi phí kinh tế-xã hội phát sinh khi thực hiện các biện pháp này và khi phần lớn dân số đã được tiêm chủng.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ với quan điểm Zero Covid. Bắc Kinh có thể sẽ duy trì quan điểm này cho đến sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sau đó. Cho dù việc đóng cửa biên giới hầu như không tác động đến động lực tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng việc khách du lịch Trung Quốc cùng với hầu bao khá lớn của họ tiếp tục vắng bóng ở nước ngoài sẽ tác động tới nhiều nước láng giềng.
lãi suất ở Mỹ sẽ trở thành một vấn đề lớn khi có xu hướng tăng lên trong năm nay. Các thị trường dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay, trong khi việc chấm dứt các biện pháp nới lỏng định lượng hiện tại sẽ hạn chế sự luân chuyển của dòng vốn, vốn đã mang lại lợi ích cho phần lớn châu Á trong thập kỷ qua.
Trong quá khứ, những động thái như vậy của Fed thường dẫn đến sự xáo trộn. Điều này thấy rõ trong năm 2013 (Fed thông báo giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu, ảnh hưởng đến các thị trường Châu Á), khi các động thái của Fed gây chấn động khắp khu vực và gây lo lắng cho cả nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, bối cảnh ngày nay đã thay đổi đáng kể. Các nước Châu Á có thể sẽ mau phục hồi hơn so với nhiều thị trường mới nổi khác, khi Mỹ bước vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh các nền tảng cơ bản mạnh mẽ hơn của khu vực này, trong đó có việc các cán cân với bên ngoài đã được cải thiện, dự trữ ngoại hối nhiều hơn, áp lực lạm phát giảm và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra còn có sự hiểu biết tốt hơn về thể chế liên quan tới việc vận dụng chính sách và quy định để kiểm soát các giai đoạn căng thẳng tài chính.
Phải thừa nhận rằng, có những ngoại lệ đối với quan điểm trên, chẳng hạn như áp lực lạm phát tương đối cao ở Ấn Độ. Tuy nhiên, nhìn chung, việc khu vực hóa ngày càng tăng của hệ thống kinh tế Châu Á, phản ánh ở tăng trưởng trên thị trường nợ bằng đồng nội tệ và việc giảm phụ thuộc vào nguồn vốn bằng đồng USD, đã tạo ra sự ngăn cách giữa các nước châu Á với các xu hướng ở bên kia bờ Thái Bình Dương.
Nguồn baoquocte.vn