Sáng 18/9/2023, nhiều bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt tỉnh

Gia đình chị Nguyễn Thanh Hà (thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh) có 4 người, thì hiện 3 người đau mắt đỏ, gồm vợ, chồng và con trai thứ 2 học mẫu giáo. Chị Hà cho biết, cô giáo lớp con chị học ở trường mầm non thông báo có 5 bạn bị đau mắt đỏ.

Khi phát hiện mắt con bị sưng nhẹ, đỏ và có rỉ mắt, chị chở con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán con bị đau mắt đỏ. Mặc dù đã dùng thuốc nhỏ mắt, cho con trai ăn riêng, dùng các vật dụng riêng, nhưng các thành viên khác trong gia đình cũng lần lượt bị lây bệnh đau mắt đỏ.

Anh Trần Đức Hùng (thành phố Nam Định) cho biết: Cả hai con gái của anh đều bị đau mắt đỏ sau khi đi học, sau đó cả nhà 4 người cũng lần lượt bị lây. Tuy nhiên, may mắn cả nhà đều bị nhẹ, tầm 3 - 4 ngày là hết bệnh. Khu vực anh ở, nhiều gia đình có người mắc bệnh đau mắt đỏ.

Bác sĩ Đặng Xuân Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết:

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân, qua đường hô hấp hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn lau nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn, nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi...

Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng trẻ em, người trưởng thành, người già. Đặc biệt, người nhạy cảm với thời tiết, người đang mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu dễ bị vi rút tấn công hơn.

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, bệnh xảy ra quanh năm, dễ lây lan nhanh và bùng thành dịch trong cộng đồng từ mùa hè đến cuối mùa thu. Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và nếu nguyên nhân do vi rút thì cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Gần đây, thời tiết chuyển từ nắng nóng qua mưa liên tiếp nhiều ngày làm độ ẩm không khí cao, kèm theo môi trường nhiều khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển và bùng thành dịch.

Mặt khác, là thời điểm học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, trong đó có nhiều gia đình đi du lịch các nơi, có thể lây nhiễm mầm bệnh. Môi trường công sở, lớp học, công cộng là những nơi dễ lây lan nhanh và nhiều. Từ ngày 15/8 đến nay, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh tăng đột biến, có ngày ghi nhận 50 - 60 ca đau mắt đỏ. 

Sáng 18/9/2023, nhiều bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại Bệnh viện Mắt tỉnh

Trước tình hình dịch đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế ban hành Công văn số 1700, ngày 18/9 chỉ đạo tăng cường phòng chống và điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ và chủ động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng; đặc biệt là các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi tập trung đông người;

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng hoá chất, sinh phẩm, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và các đơn vị liên quan chỉ đạo y tế trường học, y tế doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đau mắt đỏ, kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh, xử trí kịp thời các ổ dịch. 

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai các hoạt động truyền thông, giám sát, phòng chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại trường học, cơ sở y tế, các hộ gia đình, các doanh nghiệp, nơi tập trung đông người và cộng đồng; không để dịch lan rộng, kéo dài.

Các trạm y tế phối hợp chặt chẽ y tế trường học, y tế doanh nghiệp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý ổ dịch; hướng dẫn triển khai biện pháp phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường lớp học, cơ quan, công ty và cộng đồng.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

Tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị hoặc chuyển tuyến đối với các ca bệnh nặng, hạn chế tối đa biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ;

Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, điều trị bệnh đau mắt đỏ; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thực hiện biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ...

Tuy là một bệnh cấp tính, dễ lây, nhưng bệnh đau mắt đỏ có thể phòng bệnh được bằng các biện pháp, như: Nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%) để rửa mắt sau khi đi ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

Tại các trường học, cơ quan, gia đình..., cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, người nghi bị đau mắt đỏ; giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối.

Bác sĩ Đặng Xuân Ngọc khuyến cáo:

Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở mắt, người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh, đặc biệt ghi nhận một số trường hợp biến chứng nặng do diễn biến bất thường của bệnh hoặc tự ý dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ.

Theo Báo Nam Định