Theo thông tin của Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh, nhất là tại một số tỉnh, thành phố có mật độ dân số đông, như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn thành phố, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 31/8, tổng số ca bệnh đau mắt đỏ ghi nhận 63.039 ca, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022 (53.573 ca). Còn Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) ghi nhận gần 2.000 ca đau mắt đỏ trong tháng 7 vừa qua; tháng 8, bệnh viện ghi nhận hơn 2.400 ca bệnh. Khoa Mắt của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận liên tiếp hơn 50 bệnh nhi bị đau mắt đỏ chỉ trong một tháng trở lại đây, trong đó có tới 20% gặp biến chứng nặng, như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).
Trên địa bàn Hải Phòng, bệnh đau mắt đỏ đang có nguy cơ bùng phát thành dịch. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Mắt Hải Phòng, từ ngày 01/9 đến hết ngày 06/9, tỷ lệ người bệnh đau mắt đỏ đến khám chiếm 35,8% tổng số ca đến khám vì viêm kết mạc; số ca bệnh đang có xu hướng gia tăng. Có ngày bệnh viện ghi nhận gần 40 người đến khám bệnh đau mắt đỏ. Ngoài Bệnh viện Mắt Hải Phòng, các khoa Mắt của các bệnh viện khác, phòng khám trên địa bàn cũng ghi nhận số người bệnh mắc đau mắt đỏ đến khám gia tăng nhanh.
Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở trẻ em và người trẻ. Bệnh diễn ra vào các thời điểm trong năm, thường gia tăng vào thời điểm giao mùa hè thu. Do tác nhân chủ yếu gây bệnh đau mắt đỏ là virus nên bệnh dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch trong cộng đồng.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Bệnh viện Mắt Hải Phòng khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng các dụng dịch sát khuẩn; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; sử dụng nước sạch; không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang. Bên cạnh đó, người dân cần vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh vật dụng của người bệnh. Cùng với đó, người dân có ý thức phòng ngừa, sử dụng các biện pháp phòng, tránh lây bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và hướng dẫn điều trị; cần lưu ý để tránh lây bệnh cho người khác và cộng đồng.
Kim Huệ