Theo đó, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, để tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau:
Khẩn trương thực hiện công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. chú trọng thực hiện tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn;
Tăng cường công tác giám sát, điều tra, phát hiện, xử lý và tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Các bệnh viện công và tư nhân tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn và điều trị bệnh nhân đến khám tại cơ sở theo phác đồ của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; đồng thời, hướng dẫn bệnh nhân thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân nhằm tránh biến chứng và lây lan bệnh đau mắt đỏ;
Đối với các trung tâm y tế huyện, thành phố:
Tăng cường thực hiện các biện pháp giám sát, phòng bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng; phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ;
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát khuẩn đối với các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân;
Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng, không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người nghi bị đau mắt đỏ;
Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế.
Hoàng Bách