Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP đến nay, việc xây dựng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản gắn với chương trình OCOP của tỉnh đã mang lại hiệu quả cao. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, thủy sản được các chủ thể lựa chọn đầu tư cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, tỉnh Nam Định có 529 sản phẩm OCOP của 37 doanh nghiệp, 54 HTX, 45 hộ kinh doanh…; trong đó có 463 sản phẩm 3 sao, 62 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Dẫn đầu là huyện Hải Hậu 123 sản phẩm, tiếp đó là các huyện Giao Thủy 121 sản phẩm, Xuân Trường 54 sản phẩm, Ý Yên 41 sản phẩm... Tỉnh Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình OCOP. 

Nước mắm Ninh Cường được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ thương mại diễn ra vào năm 2023.
Nước mắm Ninh Cường được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ thương mại diễn ra vào năm 2023.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau như chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Kết quả phân hạng sản phẩm OCOP xác định cơ hội phát triển của chủ thể sản phẩm, khả năng tham gia và được thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số địa phương đã thành lập Hội OCOP với mục tiêu xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Nhờ đó đã giúp nhiều nông dân tăng doanh thu bán hàng, kết nối được một số hội, HTX, đối tác doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều chủ thể là hộ kinh doanh cá thể, HTX, doanh nghiệp đã chọn những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản truyền thống tại địa phương như vịt, ếch, tôm, cá để đầu tư  xây dựng thành những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Nhờ lợi thế từ chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đã đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP từ nông, thủy sản với giá bán ổn định không chỉ mang lại nguồn thu nhập bền vững cho các chủ thể sản xuất mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào và sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, các sản phẩm OCOP từ chăn nuôi, thủy sản được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Vân Anh