Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trình bày tóm tắt báo cáo công tác, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cho biết, năm 2017, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý tăng (tổng số thụ lý là 882.630 việc, tăng 46.576 việc (5,57%) so với năm 2016, tương ứng với trên 172.959 tỷ đồng, tăng 28.434 tỷ (19,67%) so với năm 2016), song các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc, số tiền cao hơn so với năm 2016 (đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỷ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016, về tiền đã thi hành xong trên 35.242 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144 tỷ đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016).

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án dân sự - Hình 1

 Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018

Ông Thành cũng cho biết, trong năm 2017, công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; các vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng có nhiều tiến bộ. Công tác phối hợp liên ngành, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được củng cố. Công tác hướng dẫn, kiểm tra ngày càng hiệu quả, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện nghiêm túc trong toàn hệ thống...

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành án. Toàn hệ thống chỉ đạt 2/4 chỉ tiêu cơ bản là về việc và về tiền. Số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền (gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành). Số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp, còn 85 việc chưa thi hành được.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn còn chậm. Đặc biệt, việc triển khai Phần mềm quản lý thi hành án dân sự còn rất chậm. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc còn chưa nghiêm. Còn hiện tượng trên quyết liệt, ở dưới một số nơi, nhất là cấp cơ sở, vẫn thờ ơ, chưa làm tròn nhiệm vụ.

Tại Hội nghị, đề cập đến việc thi hành án hành chính tồn đọng quá nhiều trong năm qua, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Thị Thuý Hiền cho rằng có tâm lý do dự, nể nang trong thi hành án, điều này cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thái - Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Tư pháp) cho rằng, các sai sót xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ một phần do áp lực công việc nhiều và một phần do chủ quan của cán bộ thi hành án. Do đó, cần nhận diện chính xác tình hình của từng đơn vị, cơ quan xem yếu kém ở điểm nào, nguyên nhân vì sao để có giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá những kết quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đạt được trong năm 2017 đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bất cập mà hệ thống thi hành án dân sự cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, gần 144 nghìn việc và gần 57.000 tỷ đồng; số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp (76,45%).

“Hiện tượng này cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa nghiêm; việc áp dụng biện pháp cưỡng chế còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài; còn số lượng khá lớn tài sản chưa bán đấu giá thành hoặc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, thủ trưởng một số cơ quan thi hành án chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác đối thoại, tiếp công dân, không xử lý dứt điểm vụ việc từ cơ sở dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài còn chậm; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn còn chậm, chưa tạo chuyển biến rõ rệt, nhất là ở cấp chi cục.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị hệ thống thi hành án dân sự cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Hiện nay, yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đang đặt ra nhiều đòi hỏi.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020; rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020. "Bộ Tư pháp cần chỉ đạo cơ quan thi hành án cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và hành động như thế nào để tinh gọn thủ tục thi hành án, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, năm 2018, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành, nâng cao chỉ tiêu về việc, số tiền, đặc biệt là trong thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Trước mắt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các UBND cấp tỉnh chưa thi hành xong bản án, quyết định của tòa án để chỉ đạo thực hiện.

Đồng thời với việc công khai giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan thi hành án dân sự phải tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, hạn chế phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài.

Các cơ quan thi hành án phải đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả việc cung cấp dịch vụ trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính. Đặc biệt, từ năm 2018, toàn hệ thống phải vận hành và thực hiện nghiêm túc Phần mềm quản lý thi hành án dân sự. Khuyến khích việc thoả thuận giữa người phải thi hành án và người được thi hành án trên cơ sở không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức, giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan thi hành án dân sự.

“Chú ý công tác xây dựng ngành bảo đảm từng cán bộ các bộ phận trong cơ quan thi hành án dân sự phải trong sạch, vững mạnh, bảo vệ pháp chế và công lý phải được thực thi đến cùng. Do đó, cán bộ thi hành án dân sự phải thực sự liêm chính, giữ vững phẩm chất, không được phép làm sai lệch bản chất vụ việc, làm trái pháp luật, lệch công lý trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án, không để lợi ích và quyền lợi riêng tư xen vào trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản. Chúng ta rất đau lòng vì có những cán bộ thi hành án dân sự vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Gia Huy