THCL Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam đang có một nền kinh tế thị trường méo mó, lệch lạc. Những cải cách thời gian qua luôn lưỡng lự, không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường.
Nền kinh tế bị méo mó
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, đang có lực cản rất lớn đối với quá trình cải cách, xây dựng chính sách cạnh tranh. Khách quan nhìn nhận, Việt Nam chưa có thị trường đúng nghĩa, nền kinh tế bị méo mó, cả bên cung lẫn bên cầu.
“Chúng ta vừa thích cạnh tranh, thích thị trường, nhưng lại sợ thị trường nên những cải cách vừa qua không dứt khoát để chuyển sang nền kinh tế thị trường thực sự. Đây là một sự mâu thuẫn. Từ việc không dứt khoát dẫn đến vai trò của Nhà nước không chuyển hẳn sang khía cạnh bổ sung, chứ không phải kiểm soát thị trường”, TS. Cung nêu quan điểm.
Trong khi DN gặp rất nhiều rào cản thị trường. Viện trưởng CIEM dẫn ví dụ, kinh doanh vận tải hành khách, yêu cầu một DN phải có tối thiểu 20 đầu xe ô tô nếu ở thành thị, ở nông thôn phải có 10 xe; hay muốn kinh doanh gas thì cần phải có 100.000 bình… Những con số “chẳng để làm gì” nhưng lại hạn chế sự gia nhập thị trường của rất nhiều DN.
Về đất đai, thị trường này méo mó đến mức luôn luôn có một nhóm lợi ích chỉ có mỗi việc là “đẩy giá”. “Công việc của họ rất đơn giản, chỉ cần “thổi giá” từ đất nông nghiệp chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác và qua một đêm giá có thể “bay cao” mấy chục, thậm chí mấy trăm lần”, TS. Cung chỉ rõ.
Nan giải hơn, đó còn là tình trạng người mày mò nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng tạo lại không bằng “ông” chạy chọt xin được một tờ giấy phép. Những sáng kiến, sáng tạo không khuyến khích được do sản phẩm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Chính sự méo mó đã tạo ra những tín hiệu sai lệch dẫn đến việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, chính sách bị chi phối bởi những nhóm lợi ích khác nhau. Đầu tư của các DNNN đôi khi không tính toán đến hiệu quả, dẫn đến câu chuyện, vốn đến nơi cần thì không tới, nơi không cần thì lại đến. Đây là bằng chứng thiết thực nhất thể hiện sự méo mó của thị trường.
Phải kiên quyết chuyển đổi
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, vấn đề tắc nghẽn ở tầm cao nhất hiện nay chính là thể chế. Nếu giải quyết được vấn đề này thì sẽ tìm ra lối thoát cho thị trường.
Nghị quyết 19 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế cạnh tranh của Việt Nam. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường. Để làm được điều đó phải thay đổi tư duy, phải coi thị trường, coi cạnh tranh là cốt lõi trong việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
Việc đầu tiên, cần nhất đó là giảm rào cản gia nhập thị trường, tạo điều kiện cho DN tham gia vào cuộc chơi chung một cách bình đẳng. Thứ hai là giảm số DNNN. Thứ ba là tạo thị trường về quyền sử dụng đất, để thúc đẩy quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất. Nhà nước không nên can thiệp mà phải để thị trường đóng vai trò quyết định trong phân phối đất đai, vốn, tài nguyên.
Mở rộng sang kinh nghiệm xây dựng chính sách cạnh tranh của một số nước trên thế giới, trong đó có Australia, có thể nhận thấy yếu tố đầu tiên của cạnh tranh là loại bỏ kiểm soát hạn ngạch nhập khẩu. Các lĩnh vực do DNNN độc quyền như điện hay viễn thông cần phải được mở cửa cho tư nhân tham gia. Theo bà Rosalie Mc Lachlan, Ủy ban Năng suất Australia, nguyên tắc cốt lõi của cạnh tranh là chống độc quyền. Cần loại bỏ ưu đãi của DNNN như ưu đãi về thuế và các chi phí khác, đồng thời đảm bảo ngân sách nhà nước được sử dụng ưu đãi cho tất cả DN.
Với Việt Nam, yêu cầu phải cải cách nhanh hơn, mạnh hơn. Bởi cạnh tranh là một trong những yếu tố nền tảng của kinh tế thị trường. Cạnh tranh bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả, thúc đẩy đầu tư và góp phần nâng cao năng suất lao động. Đó cũng là nội dung quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nguyên Thảo