Không có sự thống nhất, mỗi nơi làm mỗi kiểu
Điểm lại các vụ việc gần đây như: Một giảng viên Trường Đại học Ngân hàng rơi từ tầng 14 chung cư New Saigon, huyện Nhà Bè (ngày 5-4); Một cháu bé 12 tuổi rơi tầng 10 chung cư Sky Garden, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 (ngày 25/5); Người đàn ông ngoại quốc rơi lầu chung cư Botanica Premier, quận Tân Bình (ngày 11/11); Phụ nữ rơi lầu chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, quận 7 (ngày 13/11); Nữ luật sư rơi từ tầng cao chung cư Sunview Town, quận Thủ Đức (ngày 15/11);…đều xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người nước ngoài. Được biết các công trình xây dựng không quá lâu, thuộc dạng thế hệ mới, mới nhất là chung cư Botanica Premier bàn giao cho khách hàng vào năm 2018; cư dân cơ bản đã được cấp giấy chủ quyền cho từng căn hộ…
Tuy nhiên, sự an toàn của các chung cư nói trên lại có sự khác biệt từ cách làm, cách quản lý. Tại chung cư New Saigon, ông Phạm Minh Huấn, Trưởng ban Quản lý chung cư, cho biết, lan can tại hành lang bên trong chung cư cao 1,4m (theo quy định - PV), chủ đầu tư làm thanh chắn dọc nên rất an toàn. Đối với các cửa sổ từ phòng ngủ, phòng khách không có các thanh chắn, ban quản lý khuyến khích người dân, đặc biệt là nhà có các cháu nhỏ, nên làm thêm lớp bảo vệ như căng cáp, để an toàn hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Ông cũng đã phát văn bản thông báo phòng tránh tai nạn rơi ngã từ trên cao, trong đó, khuyến nghị nhiều giải pháp: Tránh để các vật dụng như bàn, ghế… gần lan can ban công, cửa sổ phòng ngủ, phòng khách dễ tạo điều kiện các cháu nhỏ leo trèo gây nguy hiểm.
Tại chung cư Sunview Town, ông Trần Văn Hồ, đội trưởng bảo vệ chung cư, cho biết, người dân muốn làm thêm lưới bảo vệ trong ban công, cửa sổ nhà chung cư phải làm đơn xin phép, ban quản lý sẽ thẩm tra, vì việc này liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, sẽ cho phép nếu cách làm đúng theo quy định. Tuy nhiên, tại chung cư này, theo một người dân tại block A, xuất hiện một rủi ro khác là các chậu trồng cây của người dân trồng từ lầu cao có thể rớt xuống dưới đất, trúng cư dân. Mặc dù thiết kế tại tầng 1 có hành lang làm bằng kính cường lực, bao bọc xung quanh chung cư nhằm hứng đồ đạc rớt từ tầng cao, nhưng thực tế đã có chậu cây rớt xuống làm bể kính tại một số block; Hiện các tấm kính bị vỡ chưa được thay lại.
Tấm kính cường lực tại chung cư Sunview Town (Thủ Đức) bị bể nhưng chưa được thay thế, gây nguy hiểm cho người qua lại.
Cần đảm bảo an toàn tính mạng cho cư dân
Nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiệp, phân tích: Khi bất kỳ ai đã muốn thực hiện hành vi nhảy lầu tự tử thì dù có rào kín, họ cũng sẽ tìm nhiều cách để thực hiện. Trong trường hợp vô tình xảy ra việc trẻ con leo ghế, lọt lan can rớt lầu thì nghiên cứu bổ sung các quy định an toàn cho phù hợp. Tuy nhiên, quy chuẩn xây dựng hiện hành đã được các cơ quan chuyên môn tham khảo quy chuẩn của thế giới, đưa vào nhiều cái mới, đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết, với chiều cao lan can theo quy định hiện hành 1,4m thì một người không thể té… Trong trường hợp bước lên cao như vậy, việc quy định chiều cao không còn phù hợp, nhưng không phải vì thế mà chúng ta lại tiếp tục nâng chiều cao lan can lên cao hơn. Ông cho biết thêm: “Công ty Đất Lành làm chủ đầu tư xây dựng nhiều công trình nhà chung cư, bản thân tôi cũng ở nhà chung cư và làm theo giải pháp nêu trên, nhận thấy đồ đạc không bay rớt ra ngoài, trẻ con không xảy ra sự cố”.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nhìn nhận, dù đã có quy định, trước sự việc xảy ra nhiều lần, liên quan đến sinh mạng con người, thì cơ quan quản lý nhà nước ngành xây dựng cần nhanh chóng tổ chức rà soát, kiểm tra lại tổng thể; ghi nhận từ thực tế đối chiếu với quy chuẩn quốc gia, cần thiết thì kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, vì nhà cao tầng ngày càng xây dựng nhiều, là giải pháp tổ chức nhà ở chủ yếu ở đô thị. Bên cạnh đó, cư dân cần phải có kiến thức, kỹ năng cơ bản sinh sống trong nhà chung cư. Đây là vấn đề mà ban quản trị, hội nghị nhà chung cư nên thường xuyên phổ biến, trao đổi để nâng cao nhận thức của người dân.
PV