Truyền thông Nga đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi thông điệp chào mừng tới các đại biểu tham dự cuộc họp của Nhóm Tầm nhìn Chiến lược Nga-Thế giới Hồi giáo và Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Quốc tế lần thứ 9 giữa Nga-Thế giới Hồi giáo sắp diễn ra.

"Hiện nay, nhiều nước Hồi giáo đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo gia tăng đến những khó khăn về kinh tế và xã hội. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thế giới Hồi giáo có thể hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ và hợp tác của Nga".

Nhà lãnh đạo Nga cho biết, nước Nga sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong trong thế giới Hồi giáo để đẩy mạnh cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như tìm kiếm những biện pháp hoà bình nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng tại các khu và trên toàn cầu.

Nga bắt tay với thế giới Hồi giáo: Điều Mỹ không thể? - Hình 1

Quan hệ Nga - thế giới Hồi giáo là quan hệ có tính chất đặc biệt.

"Tôi tin tưởng rằng, bằng cách cùng nỗ lực, chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa để tăng cường an ninh và ổn định toàn cầu, cũng như xây dựng một trật tự thế giới dân chủ và công bằng, không có bất kỳ sự bất khoan dung nào với chủ nghĩa quân phiệt", TASS dẫn lời ông Putin.

Cuộc gặp thứ ba của Nhóm Tầm nhìn chiến lược Nga-Thế giới Hồi giáo được tổ chức ở Grozny, Chechnya trong hai ngày 16-17.5. Sau khi hội nghị kết thúc, các đại biểu sẽ tới Kazan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Quốc tế lần thứ 9 giữa Nga và Thế giới Hồi giáo, diễn ra trong ba ngày 18-20.5.

Có thể thấy rằng, việc Moscow nâng cao sự hợp tác giữa Nga với thế giới Hồi giáo trong thời điểm hiện nay là một nước đi sắc xảo của Tổng thống Putin, tạo ra “nhất cử lưỡng tiện” cho Kremlin, mang lại “đa lợi ích” cho cà nước Nga và các đối tác Hồi giáo.

Thứ nhất, về quân sự. Hẳn dư luận chưa quên ngày 14/12/2016, tai thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố gồm 34 nước do Saudi Arabia đứng đầu, đã được thành lập với nhiệm vụ là chống chủ nghĩa khủng bố, theo Reuters.

Tuy nhiên, theo giới phân tích thì mục đích của việc thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo có lẽ không chỉ là hướng vào việc chống chủ nghĩa khủng bố, mà còn còn là bảo vệ sự trong sạch của đạo Hồi, bảo vệ cho sự tồn tại và phát triển của thế giới Hồi giáo.

Vì đạo Hồi có những luật lệ nghiêm khắc nên triết lý của tôn giáo này luôn bị xem gần với tư tưởng của những kẻ khủng bố, do đó cứ ở đâu bị khủng bố tấn công thì ngay tức khắc người ta hướng ánh mắt nghi ngại về cộng đồng người Hồi giáo ở đó.

Ngày 7/10/2001, khi Tổng thống G.Bush tuyên bố tấn công Afghanistan thì cũng đồng thời tuyên bố tấn công khủng bố ở bất cứ đâu mà không hề xem trọng vấn đề chủ quyền quốc gia ở những nơi mà ông cho là khủng bổ được nuôi dưỡng, dung dưỡng hay ẩn nấp, theo CNN.

Chủ quyền của một quốc gia có thể sẽ nghiêng ngả chỉ bởi một nguồn tin có vài kẻ khủng bố đang ẩn ấp ở các quốc gia đó và đang lên kế hoạch tấn công Mỹ hay đồng minh.

Nga bắt tay với thế giới Hồi giáo: Điều Mỹ không thể? - Hình 2

Liên minh Quân sự Hồi giáo có thể là định chế căn bản cho hợp tác quân sự Nga - thế giới Hồi giáo.

Như vậy, ngoài nỗi lo khủng bố, những quốc gia Hồi giáo còn một nỗi lo thường trực khác đó là chủ quyền quốc gia sẽ bị tước bỏ bất cứ lúc nào bởi một hành động của chính lực lượng chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.

Một đất nước có thể phải gánh chịu những hậu quả thảm thương vì những hành động vô luân của chủ nghĩa khủng bố, nhưng nguy hiểm hơn một chính thể có thể bị xoa xổ vì hành động được xem là chính nghĩa – chống khủng bố. Bài học Iraq, Afghanistan, Libya vẫn còn đó.

Do vậy, nhiều nước Hồi giáo được cho là tham gia Liên minh Quân sự Hồi giáo chỉ để tránh “những viên đạn lạc”, chứ chưa hẳn là chống khủng bố. Và vì thế cho đến nay liên minh quân sự ấy gần như vẫn chỉ là cái tên trên danh nghĩa.

Moscow hoàn toàn có thể kết hợp cùng thế giới Hồi giáo làm sống lại Liên minh Quân sự Hồi giáo 34 nước và đây là một sự hợp tác nhiều bên cùng có lợi, nhất là lợi ích của nước Nga.

Thứ hai, về chính trị và ngoại giao quốc tế. Không thể phủ nhận một thực tế là giữa thế giới Hồi giáo và thế giới phương Tây luôn có một lằn ranh mang tính mặc định không thể vượt qua. Và với các sắc lệnh cấm người Hồi giáo, Tổng thống Trump vừa làm rõ hơn lằn ranh ấy.

Cho dù nước Mỹ có nhiều đồng minh chiến lược trong thế giới Hồi giáo, song nền tảng của nguyên tắc dân chủ phương Tây được cho là đối lập với nhiều định chế trong đời sống chính trị của thế giới Hồi giáo, vì vậy một rào cản vô hình luôn được xác lập trong lịch sử các mối quan hệ.

Nga bắt tay với thế giới Hồi giáo: Điều Mỹ không thể? - Hình 3

Hồi tố các quốc gia Hồi giáo trong vụ 11/9 đã tạo ra vết hằn giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo

Sau khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại Mỹ, Washington đã có những hành xử được cho là không được lòng thế giới Hồi giáo, trong đó có việc thông qua luật "Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố", cho phép gia đình của các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9 được đệ đơn kiện Arabia Saudi và các nước liên quan tới khủng bố.

Có thể nhận định, luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố của Mỹ đã tạo nên một vết hằn rất sâu trong quan hệ giữa Washington với thế giới Hồi giáo.

Trong khi đó, từ thời còn tồn tại thế giới lưỡng cực cho đến nay, Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay, luôn có sự gần gũi với thế giới Hồi giáo hơn so với Mỹ và phương Tây, mà quan trọng nhất là nền tảng ý thức hệ không mang tính đối lập.

Thêm nữa, những hành xử của Moscow, nhất là dưới thời Tổng thống Putin đều khiến cho thế giới Hồi giáo yên tâm hơn khi bắt tay với nước Nga trong những ván cờ tại các khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Việc quân đội Nga chỉ xuất hiện tại Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có lời kêu gọi hỗ trợ chống khủng bố, thể hiện sự tôn trọng chủ quyền của một chủ thế chính trị là một hành động có thể gây thiện cảm rất lớn với thế giới Hồi giáo.

Nga bắt tay với thế giới Hồi giáo: Điều Mỹ không thể? - Hình 4

Tôn trọng chủ quyền của Syria là một hành xử "đắc nhân tâm" của Putin.

 Ngược lại, quân đội Mỹ bất chấp chính quyền Damascus đang là thực thể chính trị đại diện chủ quyền quốc gia của Syria, chủ động tham gia vào cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này, từ đó khiến cho sự nghi ngại trong thế giới Hồi giáo không thể xoá nhoà.

Vì vậy, thông điệp của Tổng thống Putin gửi tới thế giới Hồi giáo chỉ là khẳng định lại niềm tin với những người theo đạo Hồi, chứ không cần phải xác lập lại niềm tin như Mỹ và các nước phương Tây.

Có thể thấy quan hệ Nga – thế giới Hồi giáo đã có rất nhiều điều kiện thuận lợi để gia tăng sự kết nối và nâng tầm cho mối quan hệ. Moscow có rất nhiều lợi ích từ mối quan hệ mang tính đặc biệt này.

Theo giới phân tích, việc chủ động nâng tầm quan hệ Nga – thế giới Hồi giáo được xem là một nước đi sắc xảo của Tổng thống Putin, có thể vô hiệu hoá những kế hiểm của phương Tây đang hướng về nước Nga nhằm gấy bất lợi cho nhà lãnh đạo tối cao của nước Nga và gây bất ổn tại xứ sở bạch dương.

Ngọc Việt - Baodatviet